Ngày 23.9, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM về việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết người dân và doanh nghiệp (DN) đang rất quan tâm việc sử dụng thẻ xanh Covid-19 (gọi tắt: thẻ xanh) sau ngày 30.9 ra sao để người dân có thể được đi lại. Đại tá Quang nhìn nhận khó khăn lớn nhất hiện nay là dữ liệu về tiêm vắc xin, xét nghiệm, F0 đã khỏi bệnh, nhất là F0 điều trị tại nhà đã khỏi bệnh… đang tản mát. Do đó, ông Quang đề nghị ngành y tế cập nhật kịp thời để hướng tới sử dụng mã QR tích hợp các dữ liệu phục vụ cho triển khai thẻ xanh.
Cân nhắc kỹ lưỡngTheo PGS-TS Trần Đắc Phu, sau khi tiêm 1 mũi vắc xin thì miễn dịch còn kém; tiêm đủ 2 mũi mới đủ miễn dịch, nhưng cũng chỉ giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ trở nặng chứ không đảm bảo hoàn toàn không lây nhiễm. Khả năng truyền bệnh giữa người tiêm và chưa tiêm là giống nhau, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm cho trẻ em, người già, người có bệnh nền... Trước ý kiến Hà Nội nên nghiên cứu cấp thẻ xanh cho người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, ông Phu cho rằng Hà Nội không nên nóng vội, cần cân nhắc kỹ lưỡng để giữ vững thành quả phòng chống dịch.
Mai Hà
|
Ở mức độ thí điểm trên diện hẹp, hiện nay thẻ xanh mà các quận, huyện đang thí điểm được tích hợp trên ứng dụng (app) “Y tế HCM”. Trong giai đoạn thí điểm, áp dụng cho 150 DN trên địa bàn Q.7, Sở TT-TT TP.HCM sử dụng phần mềm “Y tế HCM” làm nền tảng triển khai, chưa áp dụng đối với người dân. Các “DN xanh”, “hộ kinh doanh xanh” sẽ được cấp mã QR dán tại cửa ra vào, khách hàng khi đến liên hệ, mua sắm thì dùng điện thoại quét mã QR trên phần mềm “Y tế HCM” để check-in, khai báo y tế. Dù vậy, qua khảo sát của PV Thanh Niên thì nhiều cơ sở vẫn chưa được cấp mã QR để quản lý.
Phần mềm “Y tế HCM” cũng được TP.HCM chọn làm nền tảng cho việc cập nhật kết quả xét nghiệm của shipper tại các DN. Ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT TP, cho biết ngày 22.9, Sở TT-TT đã tạo tài khoản cho 33/34 DN, đồng thời tạo kênh liên lạc giữa Sở TT-TT, Sở Công thương, Sở Y tế và đội ngũ hỗ trợ kỹ thuật để DN sử dụng trơn tru. Đến trưa 23.9, có 19/33 DN đã thực hiện đầy đủ thao tác phần mềm để cập nhật kết quả xét nghiệm, trước khi áp dụng chính thức vào hôm nay 24.9. Các DN này đã thực hiện thành thục việc khai báo dữ liệu kết quả xét nghiệm theo mẫu, tải dữ liệu lên hệ thống và kiểm tra, xem lại dữ liệu.
Trong khi đó, Công an TP.HCM vẫn đang kiểm soát người được phép lưu thông ngoài đường tại các chốt kiểm soát thông qua phần mềm VNEID của Bộ Công an, thông tin khai báo trên phần mềm này được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo lãnh đạo Công an TP.HCM, thẻ xanh là chứng nhận điện tử dưới dạng mã QR, người dân sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để thực hiện các công việc như: lấy mã QR để tham gia lưu thông, tới nơi công cộng, khai báo y tế, đăng ký tiêm vắc xin, xét nghiệm... Thẻ xanh cũng là hình thức công nhận cho cá nhân đã có miễn dịch nhờ đã tiêm vắc xin.
Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, hiện nay người dân TP cảm thấy bất tiện vì phải sử dụng quá nhiều ứng dụng khi khai báo. Cơ quan chức năng đang khắc phục để thống nhất chỉ dùng một ứng dụng, tránh gây phiền hà cho người dân, còn giúp kết nối, chia sẻ tất cả dữ liệu để phục vụ phòng chống dịch.
Bình luận (0)