Đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tách luật
Sáng 11.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về 2 dự án luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi và luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB. Trong đó, dự án luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, được tách ra từ dự án luật GTĐB do Bộ GTVT chủ trì, với thay đổi được nhiều người quan tâm là chuyển nhiệm vụ quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Nhiều đại biểu (ĐB) QH bày tỏ băn khoăn về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc tách dự án luật GTĐB sửa đổi thành 2 luật. ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, lập luận hiện có 5 lĩnh vực giao thông gồm giao thông thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt và giao thông bộ, giờ Chính phủ đề nghị tách luật GTĐB thì sau này có tách 4 luật kia hay không? Hay cùng cách lập luận, chúng ta có tách luật Khám chữa bệnh thành 2 là luật Cơ sở vật chất khám bệnh và luật Đảm bảo an toàn khám bệnh hay không?
ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thì cho rằng nên đề nghị Ủy ban Thường vụ QH lấy ý kiến ĐBQH xem có nên tách luật không rồi mới làm tiếp. “Nếu với phương pháp luận xây dựng dự thảo luật này thì tôi nghĩ có khi rồi chúng ta không tin ai cả, chỉ tin mỗi bản thân chúng ta làm tốt, còn các bộ khác làm không tốt. Không cẩn thận rồi có khi đến giáo viên bây giờ đang đi dạy chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều có khi Bộ Công an cũng phải cấp cả bằng giáo viên luôn và cả bằng bác sĩ luôn”, ông Kiên nói.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết mặc dù 2 luật đã cố gắng phân định phạm vi điều chỉnh song vẫn có rất nhiều điều khoản chồng chéo. "Chúng tôi cũng cố gắng phân định để hiểu nhưng mà không hiểu được. Nói thật là chúng tôi cũng rất băn khoăn trong việc tách phạm vi điều chỉnh. E rằng là nó đánh mất tính tổng thể. Mỗi ngành quản lý, quy định theo cách của mình sẽ dẫn tới chồng chéo và tác động tới hiệu quả quản lý”, ông Tùng nói. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, có thể phân công trách nhiệm của các ngành liên quan tới vấn đề GTĐB nhưng không nhất thiết phải tách thành 2 luật. “Vẫn có thể quy định trong 1 luật, nhưng phân định rõ trách nhiệm ra”, ông Tùng nói.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, đại diện cơ quan thẩm tra 2 dự án luật, cho rằng ngoài việc chuyên sâu, minh bạch hơn thì việc tách luật không trái Hiến pháp, không xung đột với các luật khác và phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước. “Phân tích đi phân tích lại thì đa số các thành viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh đồng ý tách ra. Tách ra có lợi hơn, đảm bảo chuyên sâu hơn và người trong cuộc là Bộ GTVT và Bộ Công an đều đồng thuận cao. Tôi ủng hộ quan điểm tách luật này”, ông Việt nói.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng cho biết, việc tách luật GTĐB thành 2 luật nhằm giải quyết 2 vấn đề quan trọng và rất bức xúc trong xã hội hiện nay là: xây dựng hạ tầng cơ sở GTĐB và giải quyết trật tự an toàn GTĐB. Ông Tô Lâm cũng cho biết, Chính phủ, các thành viên Chính phủ rất đồng thuận với chủ trương xây dựng 2 luật này. “Đặc biệt, 2 bộ chủ quản là Công an và GTVT là 2 bộ chịu trách nhiệm soạn thảo 2 luật này cũng rất đồng tình, tán thành. Chúng tôi rất nhiều lần làm việc với Bộ GTVT, Bộ trưởng GTVT cũng đồng tình trình QH (2 dự án luật - PV)”, ông Tô Lâm khẳng định.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 Sáng 11.11, với 430/439 ĐB có mặt tán thành, QH đã biểu quyết thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2021 với 12 chỉ tiêu chính như mọi năm. Tuy nhiên, bộ chỉ số năm nay là một bộ chỉ số mới. Theo đó, mục tiêu tổng quát đưa ra cho năm 2021 vẫn là “vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo đó, QH đã đặt mục tiêu tăng trưởng 2021 là 6%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người (tăng hẳn 1.000 USD so với năm nay do tính lại GDP), tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 - 47%. Tỷ lệ che phủ rừng, một tỷ lệ mới được đặc biệt chú ý thời gian gần đây, sau những thảm họa thiên nhiên, đặt mức khoảng 42% (tương đương với 2020). Với bộ chỉ số này, Việt Nam đã nhấn mạnh hơn đóng góp của việc tăng năng suất lao động vào tăng trưởng.
|
Không lãng phí mà còn tiết kiệm được nhiều
Vấn đề chuyển đổi đào tạo, sát hạch lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an cũng khiến các ĐB băn khoăn. ĐB Đỗ Văn Sinh cho rằng, thời điểm này cái gì xã hội làm được thì giao cho xã hội, không nên cái gì cũng quan trọng hóa lên rồi phải chuyển cơ quan quản lý. “Thời gian qua tôi thấy việc này đã làm tốt. Bây giờ chỉ có hiện tượng cấp giấy chứng nhận giả thì phải chuyển cho bên công an để tốt hơn thì có đúng không? Đến tiền còn có tiền giả thì chả lẽ phải chuyển cho công an in tiền? Chứng minh thư cũng làm giả thì chuyển cho ai làm? Hiện nay, công an vẫn đang làm đấy”, ông Sinh phân tích.
Còn ông Hoàng Thanh Tùng thì cho biết, hiện nay ngành GTVT có khoảng 2.000 nhân sự làm nhiệm vụ cấp phép lái xe. “Nếu chuyển nhiệm vụ này sang ngành công an thì 2.000 cán bộ này không thể sang ngành công an được, mà Bộ GTVT cũng không biết là sẽ sa thải hay dùng vào việc gì khác? Và liệu ngành công an có tăng thêm ngần ấy con người để thực hiện nhiệm vụ mới được giao hay không?”, ông Tùng băn khoăn, và cho rằng đây là vấn đề Chính phủ cần có đánh giá tác động, có giải pháp cụ thể báo cáo với QH.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc tách thành 2 luật không những không lãng phí mà còn tiết kiệm được rất nhiều, không làm phát sinh nhân sự, bộ máy thậm chí có thể rút gọn được. “Tôi nghĩ đã quy định thế này thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông đi hoạt động trên mặt đường nữa. Bộ GTVT có đề nghị chúng tôi nếu giao nhiệm vụ cho Bộ Công an thì đề nghị Bộ Công an nhận cho 20.000 thanh tra giao thông. Tôi nói Chính phủ không cho tôi chỉ tiêu này”, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Đại tướng Tô Lâm cũng khẳng định, Bộ Công an chỉ kiểm soát việc cấp bằng lái xe và quản lý bằng lái xe đúng quy trình, quy chuẩn, chống làm giả, gian lận, còn lại sẽ “không đụng chạm gì đến các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe”. “Việc đào tạo, sát hạch lái xe vẫn sẽ xã hội hóa”, ông Tô Lâm nhấn mạnh, và “tha thiết” mong ĐBQH ủng hộ để thông qua dự án luật trong nhiệm kỳ khóa 14.
Trình Quốc hội nhân sự Bộ trưởng Y tế, KH-CN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Chiều 11.11, Chính phủ đã trình QH 3 thành viên mới của Chính phủ là Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng KH-CN và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ứng viên cho vị trí tân Bộ trưởng KH-CN là ông Huỳnh Thành Đạt (58 tuổi, quê Bến Tre), là PGS-TS vật lý, ĐBQH khóa 14. Ông Huỳnh Thành Đạt tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), gắn bó nhiều năm với ĐH Quốc gia TP.HCM và được bổ nhiệm giám đốc năm 2017. Năm 2016 được bầu là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XII.
Ứng viên tân Bộ trưởng Bộ Y tế là ông Nguyễn Thanh Long, hiện đang là quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Ông Nguyễn Thanh Long (54 tuổi, quê Nam Định) là GS-TS y học, trải qua nhiều cương vị tại Bộ Y tế trước khi làm Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 2011. Tháng 10.2018, ông được điều động làm Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư và được điều động, bổ nhiệm lại làm Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 1.2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Ứng viên tân Thống đốc NHNN Việt Nam là bà Nguyễn Thị Hồng, đương kim phó thống đốc (52 tuổi, quê Hà Nội). Bà Hồng bắt đầu làm việc tại NHNN từ năm 1991 và được bổ nhiệm phó thống đốc lần đầu vào năm 2014.
Sau khi thảo luận tại đoàn, hôm nay 12.11, QH sẽ bỏ phiếu và biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn 3 nhân sự trên.
Chiều 11.11, QH cũng đã miễn nhiệm Thống đốc NHNN đối với ông Lê Minh Hưng, người đã được điều động làm Chánh văn phòng T.Ư Đảng và Bộ trưởng KH-CN đối với ông Chu Ngọc Anh - đương kim Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
|
Bình luận (0)