Bảo vệ trẻ trên môi trường mạng

07/04/2019 06:40 GMT+7

Video vụ xả súng tại New Zealand lẫn hiện tượng “giang hồ mạng” tại VN mới đây đã làm dấy lên nhiều lo ngại. Làm sao loại bỏ những nội dung có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý và nhận thức của trẻ em ?

Trong vụ xả súng đầu tiên tại Christchurch (New Zealand) vào ngày 15.3.2019, sát thủ đã phát trực tiếp (livestream) lên mạng Facebook. Trước đó, đã không ít vụ tự tử và thách đố tự tử được livestream lên Facebook và các mạng chia sẻ video khác. Những video này, được phát trực tiếp và sau đó phát lại, đã thu hút hàng triệu lượt người xem, trong đó có rất nhiều khán giả nhỏ tuổi.

Hiểm họa trong lòng bàn tay

Vấn đề cốt lõi là hãy luôn biết con trẻ đang xem gì, dạy cho con trẻ về công nghệ, nhận biết các nội dung xấu, biết cách cảnh báo các nội dung xấu
 
Ở VN, khi những kênh YouTube “giang hồ mạng” như Khá BảnH, Dương Minh Tuyền nổi lên trong thời gian gần đây, câu chuyện về những nội dung “độc hại” lại được dư luận đặc biệt quan tâm. Dù các nội dung được đăng tải trên mạng, trong chừng mực chưa vi phạm các quy định của pháp luật thì là quyền tự do của mỗi người. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều nội dung dù chưa bước qua lằn ranh cấm, vẫn được xem là có hại hoặc không thích hợp đối với một số nhóm đối tượng dễ tổn thương, chẳng hạn như các nhóm người yếu thế trong xã hội hoặc trẻ em.
Nhiều người ít theo dõi các mạng chia sẻ video sẽ không thể nào hiểu được bằng cách nào một gã đàn ông xăm trổ, luôn xây dựng hình ảnh của mình như một đại ca giang hồ lại được đám đông, rất đông người dân, từ trẻ nhỏ cho tới cụ già quây lấy reo hò khi anh ta về một tỉnh miền đông Bắc bộ. Nhưng những người xem YouTube và Facebook thường xuyên chắc chắn sẽ dễ dàng tìm được câu trả lời. Một kênh YouTube với từ 1,5 triệu tới 2 triệu lượt người đăng ký, với nhiều video đạt trên 1 triệu lượt xem, thậm chí cả chục triệu lượt xem, những nhân vật như Khá BảnH, Dương Minh Tuyền... dễ dàng trở thành thần tượng của một nhóm người xem nào đó. Khi những “giang hồ mạng” này bước ra đời thật, họ được rất nhiều người chào đón. Cho dù không phải tất cả các nội dung trên các kênh “giang hồ ảo” này đều truyền đi thông điệp xấu xí, độc hại, nhưng hình ảnh chung mà chúng mang lại vẫn là việc xây dựng một thần tượng cho giới trẻ mang nhiều chất “anh chị”, “giang hồ”. Hình ảnh này được mạng xã hội và báo chí chính thống truyền đi, tạo ra một cảm giác rằng đang có một sự lệch lạc về nhận thức trong xã hội, khi những “gương xấu” trở thành thần tượng của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Những nội dung sai trái hoặc thiếu tính giáo dục trên các mạng xã hội như YouTube, Facebook xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Có những kênh tưởng chừng như lành mạnh thì đôi khi cũng để lọt nhiều nội dung không ổn.
Nhiều gia đình không kiểm soát việc trẻ em xem gì trên YouTube Ảnh: Độc Lập
Một người trẻ tuổi mở kênh YouTube giới thiệu ẩm thực và văn hóa miền quê. Những câu chuyện từ khu vườn, mảnh ruộng và những món ăn dân dã thu hút rất nhiều người xem. Một ngày nọ, người này bắt những con chim trời làm thịt gây nên một cuộc tranh cãi về việc có nên hay không nên giết thịt chim trời và phát trên một kênh nhiều người theo dõi như vậy. Nhiều video thách đố như đốt lửa, kích nổ, giết thịt động vật (hoang dã) thường được đăng tải với hàng triệu lượt người xem. Bên cạnh các kênh nội dung thông thường, YouTube còn có các kênh về trò chơi, trong đó có những người vừa chơi game vừa thuyết minh trò chơi gọi là streamer. Một số trò chơi bạo lực kèm hoặc các lời bình luận tục tĩu thỉnh thoảng xuất hiện trong các video.
Hình ảnh dễ gặp từ quán nhậu, quán cà phê cho đến phòng khách các gia đình, đó là những ông bố bà mẹ đưa điện thoại cho con trẻ chơi game hoặc xem video trực tuyến trong khi mình mải mê chuyện trò, bù khú. Với những chiếc điện thoại nhỏ bé trong lòng bàn tay, trẻ con tự do lướt tới bất kỳ nơi nào mà các em muốn.
Trên YouTube, có một thể loại video thu hút rất nhiều người xem nhỏ tuổi, đó là các bộ phim ngắn mô phỏng các siêu anh hùng trong phim hoặc nhân vật trong game online đang thực hiện hành vi như xả súng hàng loạt. Những biểu tượng của video gia đình như chú heo Peppa cũng từng được đưa vào các video không thân thiện với trẻ em.

Lọc nhưng không bảo đảm sạch

Không chỉ ở VN, YouTube và các mạng xã hội thường xuyên bị cáo buộc là nền tảng lan truyền video xấu, độc hại và không thích hợp cho trẻ em. Hãng tin Bloomberg vào đầu tháng 4.2019 đã đăng bài viết Các lãnh đạo YouTube làm ngơ trước cảnh báo, để mặc video độc hại phát tán. Theo đó, hơn 20 nhân viên và cựu nhân viên của YouTube cho biết họ từng đề xuất các cơ chế ngăn chặn phát tán video tiêu cực, có nội dung cực đoan, nhưng lãnh đạo của công ty lại không tiếp thu lời cảnh báo, thay vào đó tập trung vào việc xây dựng cơ chế làm tăng mức độ tương tác cho video.
Một trong những nỗ lực đáng chú ý của YouTube trong cung cấp nội dung sạch cho trẻ em là ứng dụng YouTube Kids, ra đời cách đây 4 năm. Khi cài YouTube Kids, người dùng sẽ chỉ xem được các kênh dành cho trẻ em đã được chọn lọc. “Chúng tôi làm việc để đảm bảo rằng video trên YouTube Kids thân thiện với các gia đình và chúng tôi luôn coi trọng phản hồi của người xem,” thông cáo của YouTube nêu rõ. Nhưng trong một thông cáo khác, YouTube cho biết không có bộ lọc nào hoàn hảo tuyệt đối. Một minh chứng là mới đây, một blogger có tên Free N.Hess đã viết bài liệt kê hàng loạt nội dung “có vấn đề” trên hệ thống YouTube Kids, bao gồm video có cảnh nhân vật được mô phỏng game Minecraft đang thực hiện một vụ xả súng. Trong một video khác, nhân vật hoạt hình là cô gái trẻ tóc nâu đang tìm cách tự tử sau khi bố mình qua đời còn bạn trai thì bỏ đi.
“Chúng tôi khuyến khích mọi người báo cáo các nội dung có vấn đề và luôn có cơ chế để tất cả mọi người đều có thể gắn cờ (đánh dấu cảnh báo nội dung xấu) lên video”, thông cáo YouTube nêu rõ. Ứng dụng YouTube được cài trên điện thoại cũng có tính năng bật/tắt “Nội dung an toàn”. Khi bật tính năng này lên, YouTube sẽ lọc đi các nội dung được xếp loại là tiêu cực. Tuy nhiên, một lần nữa, YouTube cảnh báo tính năng này không đảm bảo lọc được 100%, mà chỉ lọc được “phần lớn các nội dung không phù hợp”.

Cơ chế phòng tránh

Vấn đề đặt ra là, trong khi công nghệ không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em, thì các bậc phụ huynh cần phải làm gì để bảo vệ con em của mình?
Cấm tuyệt đối trẻ em vào các website chia sẻ video như YouTube, Facebook... là điều không nên, thậm chí có thể tạo ra hiệu ứng tiêu cực đối với tâm lý trẻ con. Một cẩm nang được chia sẻ trên trang ABC Online (Úc) đưa ra giải pháp không gì đơn giản hơn: hãy cùng xem YouTube với con cái của bạn.
YouTube, Facebook và các trang mạng chia sẻ video được coi là những nguồn cung cấp thông tin, nội dung sáng tạo gần như vô tận. Người dùng, kể cả trẻ em, sẽ học được khối điều hay ho ở trên đó. Vậy nên, cần xem có chọn lọc, chứ không phải là quay lưng hoàn toàn với các mạng này. Vấn đề là, khi trẻ em đang trong quá trình hình thành tư duy thì rất cần sự đồng hành của người lớn. Không nên để con trẻ tự bơi trong thế giới rộng lớn rất thú vị nhưng cũng nhiều cạm bẫy rình rập ấy để rồi phơi nhiễm với điều xấu.
Vấn đề cốt lõi là hãy luôn biết con trẻ đang xem gì, dạy cho con trẻ về công nghệ, nhận biết các nội dung xấu, biết cách cảnh báo các nội dung xấu.

Không nên đăng ảnh con cái với tư thế nhạy cảm lên mạng

Theo thuật toán, nếu bạn đã xem một clip nội dung giựt gân hoặc clip đen thì hôm sau bạn sẽ tiếp tục được giới thiệu các clip với nội dung này cho bạn. Một số người lớn có thói quen giao điện thoại hoặc iPad của mình cho trẻ nhỏ xem khi muốn có thời gian rảnh rỗi làm chuyện khác, họ không biết rằng khi đó trẻ nhỏ sẽ được xem các clip giựt gân và clip đen mà thuật toán đã gợi ý thì thật nguy hiểm.
Bên cạnh đó, không ít ông bố bà mẹ có thói đăng ảnh con trẻ của mình trong các tư thế nhạy cảm hoặc không mặc quần áo. Họ đâu biết rằng có rất nhiều người sưu tầm các hình ảnh nhạy cảm này để cung cấp cho các website khiêu dâm trẻ em nhằm trục lợi hoặc giải trí.
Vì vậy phụ huynh không nên đăng ảnh con cái trong tư thế nhạy cảm, không mặc quần áo trên mạng xã hội. Phụ huynh nên đặt giới hạn thời gian lên mạng cho bản thân mình lẫn con cái, đồng thời dành thời gian để trò chuyện thường xuyên với con cái về thông tin trong ngày để nắm bắt con xem gì, nghe gì trên internet.
Thạc sĩ công tác xã hội TRẦN MINH HẢI (Giám đốc Trung tâm Tương Lai)

Không nên nói tục, bình luận vô tội vạ trên mạng

Đối với người lớn, nhất là những bậc phụ huynh có con nhỏ, càng phải cẩn trọng hơn khi sử dụng internet hay mạng xã hội vì nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn là tấm gương cho con cái nhìn vào đó mà noi theo. Khi lên mạng, chọn lọc những thông tin tích cực vì con cái chúng ta cũng đang tham gia cùng, chúng nhìn vào đó mà hành xử.
Không nên lên mạng xã hội chỉ để nói lời tục tĩu, bình luận vô tội vạ, chê bai, chỉ trích, xem những clip không lành mạnh, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, bạo lực, khiêu dâm... vì chắc chắn con cái sẽ biết và chúng sẽ bắt chước theo.
Phụ huynh cũng đừng nên khoe khoang quá mức về thành tích của con cái hay so sánh các con, đưa những thông tin cá nhân của con... lên mạng xã hội, những lịch trình đi đâu, học cái gì, ăn cái gì, chơi cái gì... quá rõ ràng sẽ là cơ hội cho các thành phần bắt cóc tống tiền, xâm hại tình dục theo dõi và tấn công con bạn, mà đôi khi có những tình huống bạn không ngờ tới.
NGUYỄN THANH LIÊM (Chuyên viên tư vấn Nhóm tình nguyện Sắc Màu Cuộc Sống tại TP.HCM)
Lê Thanh (ghi)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.