Bắt 5 người giấu doanh thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương

02/01/2019 08:00 GMT+7

Cơ quan chức năng bắt 5 người giấu doanh thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Khám nhà các nghi can, cơ quan điều tra thu nhiều chứng cứ điện tử về hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế...

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định một số cá nhân của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An đã cấu kết với nhau sử dụng phần mềm trái pháp luật để che giấu doanh số thu phí, trốn thuế tại các trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Ngày 1.1.2019, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) - chi nhánh Long An nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Trước đó, ngày 26.12, C03 phối hợp Cục CSGT, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp đối với các nghi can Ngô Bá Thắng (Giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty Yên Khánh), Trần Văn Miền (Phó giám đốc chi nhánh Long An kiêm Trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm, Công ty Yên Khánh), Tô Phước Hùng (Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh), Nguyễn Thị Kim Huệ (kế toán Công ty Yên Khánh), Nguyễn Văn Hiền (Giám đốc Công ty TNHH kỹ thuật Xuân Phi) để điều tra hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật.
Khám nhà các nghi can, cơ quan điều tra thu nhiều chứng cứ điện tử về hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách.

Giấu doanh thu như thế nào?

Theo nguồn tin của PV Thanh Niên, nhóm nghi can bị bắt nêu trên đã sử dụng phần mềm phản ánh không đúng thực tế việc phương tiện qua lại các trạm thu phí của BOT TP.HCM - Trung Lương, nhằm mục đích né nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước.
Hiện C03 đang khai thác dữ liệu trên phần mềm đã thu thập và một số tài liệu khác để xác định thiệt hại cụ thể. Khi có con số thiệt hại, nhiều khả năng các đối tượng sẽ bị khởi tố thêm về tội trốn thuế.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương được Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp tổ chức bán đấu giá quyền thu phí 5 năm (từ 1.1.2014 - 31.12.2018) để hoàn vốn ngân sách nhà nước.
Công ty Yên Khánh là nhà đầu tư đã trúng đấu giá, với giá trị theo hợp đồng khoảng 2.000 tỉ đồng, tổ chức thu phí tại 4 trạm trên tuyến cao tốc này, gồm: Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa.
Trao đổi với PV ngày 1.1, một lãnh đạo của Tổng cục Đường bộ VN cho biết có nắm được sự việc nhưng không rõ các phương thức thủ đoạn né thuế và doanh thu của Công ty Yên Khánh ra sao.
Theo vị này, Công ty Yên Khánh sau khi trúng thầu sẽ phải chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, trong việc tổ chức các hoạt động thu phí không có mối liên quan hay ràng buộc gì với Tổng cục Đường bộ VN.
Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, các hoạt động vi phạm pháp luật của Công ty Yên Khánh đang được cơ quan công an làm rõ. Song có thể hiểu nôm na, sau khi trúng quyền thu phí, nếu không có sự giám sát chặt chẽ, doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều "chiêu thức" về phần mềm, kế toán làm tụt hẳn số lượng phương tiện lưu thông hằng ngày qua các trạm thu phí so với trên thực tế.
“Với việc phương tiện qua lại các trạm BOT bị đánh giảm thì đương nhiên sẽ giảm thuế phải nộp cho nhà nước. Ngoài ra, đối với dạng hợp đồng BOT có điều chỉnh thì việc phương tiện qua lại trạm bị đánh tụt so với thực tế sẽ giúp nhà đầu tư được đàm phán tăng thêm thời gian để thu phí”, vị này nói và cho rằng từ sự việc này đang đặt ra một vấn đề lớn về giám sát phương tiện qua lại tại các trạm thu phí BOT.
Doanh nghiệp liên quan đến Út "trọc"
Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh trước đây có tên là Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh. Công ty này được thành lập năm 2005, trụ sở đặt tại 35 - 37 Ngô Đức Kế, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM, do bà Vũ Thị Hoan (33 tuổi) làm chủ tịch HĐQT.
Cuối tháng 11.2018, bà Vũ Thị Hoan, nguyên Giám đốc Công ty Yên Khánh, Giám đốc Công ty Yên Khánh - Hải Thành, đã bị Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam do vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Bà Vũ Thị Hoan là cháu gái ông Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc"), cựu thượng tá quân đội, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ QP - hiện đã bị kết án 10 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 2 năm tù về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Trong nhiều dự án BOT của Út “trọc” đều thấp thoáng bóng dáng của Công ty Yên Khánh.
Cụ thể, dự án cầu Hạc Trì (cầu Việt Trì ở tỉnh Phú Thọ) có tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỉ đồng, được chỉ định cho liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) - Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh và Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn) thực hiện vào năm 2013.
Để thực hiện dự án này, liên danh nói trên đã lập ra Công ty cổ phần BOT cầu Việt Trì với vốn điều lệ 265 tỉ đồng, tỷ lệ góp vốn là Cienco 1 20% (53 tỉ đồng), Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh 40% (106 tỉ đồng) và Công ty Thái Sơn 40% (106 tỉ đồng).
Hay Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỉ đồng do liên danh: Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty Yên Khánh - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng BMT - Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi - Công ty cổ phần Hoàng An - Công ty cổ phần đầu tư cầu đường CII làm chủ đầu tư. Công ty Yên Khánh của Vũ Thị Hoan nắm 30% cổ phần tại dự án này...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.