Bất an ở chợ Đầm

02/04/2021 06:54 GMT+7

Hôm 31.3, chợ Đầm tròn (chợ cũ) ở Nha Trang chính thức đóng cửa. Tuy nhiên, 200 hộ tiểu thương vẫn cố thủ ở ngôi chợ cũ này bất chấp chính quyền thành phố đã cắt điện và nước. Bất an thật sự ở ngôi chợ này.

Chợ Đầm Nha Trang được xây dựng từ năm 1970, tính đến nay cũng đã trên 50 năm. Nhiều người cho rằng chợ Đầm là “biểu tượng” của thành phố biển này. Nhưng cũng có người nói, “biểu tượng” ấy chỉ mang ý nghĩa tượng trưng do hào quang của quá khứ chứ thực tế hiện tại thì nó… quá xấu xí; rằng chẳng có ngôi chợ “nổi tiếng” nào trên đất nước này mà cổng chợ với hai chữ “Chợ Đầm” lèm nhèm như học sinh mẫu giáo tập viết vậy cả.
Sau hàng chục năm, chợ Đầm tròn đã xuống cấp, vừa nhếch nhác vừa gây bất an cho cả người buôn bán lẫn người đi chợ. Chính lý do này mà tỉnh Khánh Hòa mới có chủ trương xây chợ mới bên cạnh chợ cũ, đập bỏ chợ Đầm tròn, biến chỗ đất trống này thành công viên. Công ty CP Sông Đà Nha Trang được chọn làm chủ đầu tư xây dựng công trình này.
Sau 7 năm triển khai, đến năm 2020 ngôi chợ mới xây xong. Đã có 800 hộ kinh doanh buôn bán dọn về chợ mới nhưng vẫn còn 200 hộ không chịu rời chợ cũ với đủ lý do. Một trong những lý do khá khó hiểu là ông Nguyễn Chiến Thắng, lúc còn làm Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (2010 - 2015), có thông tin cho báo chí là đã trao đổi, thống nhất với chủ đầu tư dự án chợ Đầm mới là không đập bỏ khu chợ Đầm tròn mà giữ nguyên nhưng phải kiểm tra, cải tạo, thiết kế lại sao cho bà con làm ăn, buôn bán được an toàn, hiệu quả!
Sự bất nhất của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa bấy giờ trong việc xử lý câu chuyện chợ Đầm mới/cũ đã vô tình làm chiếc “lô cốt” để 200 hộ kinh doanh cố thủ ở chợ cũ, khiến khu trung tâm thương mại này chẳng ra hình thù gì. Quan trọng hơn, bất an không chỉ là việc các hộ tiểu thương không trả mặt bằng phải buôn bán trong điều kiện không điện nước mà còn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường khi tiểu thương bị đẩy vào thế cùng đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.