“Bật đèn xanh” cho Hapulico, Bộ Xây dựng sáng kiến hay phạm luật?

Thái Sơn
Thái Sơn
22/10/2018 11:12 GMT+7

Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn quy định thành lập Ban quản trị nhà chung cư bắt buộc phải thông qua hội nghị nhà chung cư. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng đồng ý cho Hapulico làm theo cách khác quy định của luật.

Dự án Khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hapuilco (số 1 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico (Công ty Hapulico) làm chủ đầu tư có 8 tòa nhà, trong đó có 1 tòa văn phòng và 7 tòa chung cư với 802 căn hộ dân đang sinh sống. Khu chung cư này được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2012 nhưng 4 năm sau đó chủ đầu tư vẫn không tổ chức hội nghị nhà chung cư mặc dù người dân nhiều lần kiến nghị. Cuối năm 2016, một số cư dân trong khu chung cư sốt ruột nên vận động các hộ dân thành lập Ban quản trị lâm thời và Quy chế vận hành. Cũng lúc này, chủ đầu tư xúc bắt đầu xúc tiến các hoạt động tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu cử Ban quản trị chung cư và quyết định các vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư. Do số lượng các chủ sở hữu căn hộ tham dự chỉ chiếm 14,5% tổng số 802 căn hộ nên ngày 16.1.2017, Công ty Hapulico có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị chấp thuận: “Thay việc tổ chức họp thông qua các quyết định của hội nghị nhà chung cư từ hình thức biểu quyết trực tiếp tại các cuộc họp bằng việc lấy ý  kiến các chủ sở hữu căn hộ bằng văn bản để thông qua các quyết định của hội nghị nhà chung cư”.
Ngày 8.2.2017, Bộ Xây dựng có Công văn số 26/BXD-QLN do Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản Nguyễn Trọng Ninh ký cho rằng đề xuất của Công ty Hapulico là “phù hợp” theo quy định pháp luật. Từ đó, Ban quản trị chung cư Hapulico được thành lập theo hình thức “lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ” và được UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định công nhận vào ngày 17.7.2017, với 18 thành viên, nhiệm kỳ hoạt động 3 năm.
Tuy nhiên, ngay sau khi Ban quản trị chung cư được thành lập và vận hành, nhiều cư dân Hapulico đã phản đối bằng cách gửi đơn, kiến nghị tới nhiều cơ quan chức năng quận Thanh Xuân bởi lý do nhiều thành viên Ban quản trị là người của chủ đầu tư, không đại diện cho cư dân. Trưởng Ban quản trị chung cư Hapulic, ông Hoàng Tuấn Việt, là cán bộ Công ty Hapulico, ông Việt cũng không sinh sống tại khu chưng cư này.
"Không ổn thì Tổ chức hội nghị bất thường bầu lại"
Làm việc việc với Thanh Niên, ông Ngô Quốc Doanh, Phó tổng giám đốc Công ty Hapulico xác nhận giữa cư dân, chủ đầu tư đang có một số bất đồng liên quan đến việc thành lập Ban quản trị. Song, ông Doanh khẳng định, việc thành lập Ban quản trị Hapulico là một một vận dụng sáng tạo, đúng quy định pháp luật bởi đã được sự cho phép của Bộ Xây dựng và sự công nhận của UBND quận Thanh Xuân.
Đáng chú ý, từ khiếu nại và kiến nghị của cư dân Hapulico, ngày 19.10, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp có văn bản trả lời đơn của công dân Hapulico, cho biết, theo quy định tại Khoản 2, Điều 102, luật Nhà ở, thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định đề cử, bầu, bãi miễn các thành viên Ban quản trị nhà chung cư; thông qua, bổ sung, sửa đổi nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư… Tại khoản 3, Điều 12 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm Thông tư số 02/2016 do Bộ Xây dựng ban hành ngày 15.2.2016 cũng nêu rõ điều kiện về số lượng người tham dự cuộc họp tối thiếu là 75% khi triệu tập nghị lần đầu và 50% khi triệu tập lần 2. Nếu không đủ số lượng người thì UBND phường nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị lần đầu. Từ các quy định nêu trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị là yêu cầu bắt buộc. Mặt khác, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định: Văn bản số 26/BXD-QLN là văn bản hành chính cá biệt, không phải là văn bản quy phạm pháp luật hoặc có chứa quy phạm pháp luật.
Trao đổi với Thanh Niên hôm qua 21.10, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết văn bản số 26/BXD-QLN do ông ký có tính chất hướng dẫn để doanh nghiệp “tham khảo”, bởi thực tế các hội nghị nhà chung cư thường có rất ít cư dân tham gia nên không đủ tỉ lệ theo quy định và Cục đã tìm cách tháo gỡ khó khăn cho cả người dân và doanh nghiệp. Dù vậy ông Ninh khẳng định “họp bằng văn bản còn chắc hơn cả họp biểu quyết. Còn bây giờ ở đây Ban quản trị và cư dân có vấn đề gì thì tổ chức Hội nghị bất thường để quyết định lại”.
Mặt khác, ông Nguyễn Trọng Ninh cũng cho biết văn bản do ông ký chỉ để giải quyết một sự việc mang tính nhất thời vì thời điểm đó chưa triệu tập được cuộc họp. Còn việc Ban quản trị chung cư Hapulico viện dẫn văn bản ông ký để tiếp tục áp dụng cho quy chế hoạt động là không đúng quy định pháp luật. “Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nói văn bản tôi ký là cá biệt chỉ áp dụng một lần. Tôi chỉ hướng dẫn thế thôi chứ không phải áp dụng cho tất cả”, ông Ninh nói, đồng thời giãi bày đã rất cẩn trọng, trước khi ký văn bản đã làm việc với Bộ Tư pháp: "Họ nói ký được thì tôi mới ký”.
Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tỏ ra khá ngạc nhiên: “Nói trao đổi với chúng tôi thì phải nêu rõ trao đổi như thế nào, phải có văn bản giấy tờ cụ thể chứ. Có thể họ làm việc qua cấp chuyên viên hay như thế nào đó nhưng văn bản chính thức thì chắc là không có, phải kiểm tra lại”, vị này cho hay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.