Bệnh nhân không cần mang phim chụp

Duy Tính
Duy Tính
21/10/2019 08:59 GMT+7

Phim chụp chẩn đoán bệnh được số hóa vừa giúp giảm chi phí, vừa giúp bệnh nhân không phải giữ phim, giúp đánh giá quá trình điều trị trước, sau...

Sáng 15.10, bà Lan (50 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đến Bệnh viện (BV) Ung bướu TP khám bệnh. Bà cầm mẩu giấy nhỏ đưa cho bác sĩ (BS), rồi BS kiểm tra trên máy tính kết quả nhũ ảnh của bà vừa chụp. Đây là BV đầu tiên cho phép bệnh nhân (BN) sử dụng hình ảnh phim chụp tại BV được số hóa để có thể xem qua smartphone.

Lưu hình ảnh được 2 năm

BS Nguyễn Tín Trung, Phó trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - BV Ung bướu, cho biết sau hơn 2 tháng thử nghiệm và chính thức áp dụng từ ngày 26.9, BV đã triển khai cung cấp hình ảnh phim X-quang, nhũ ảnh, CT Scanner, MRI qua online cho BN có nhu cầu đăng ký. Sau khi đăng ký, BN được cung cấp tài khoản để lưu trữ và theo dõi. Khi đăng ký để được BV cung cấp hình ảnh phim X-quang, nhũ ảnh, BN đóng 10.000 đồng phí; CT Scanner, MRI là 50.000 đồng, thời gian lưu trữ hình ảnh tối thiểu đến 2 năm.
“Với việc cung cấp hình ảnh online, cái lợi trước mắt là BN không cần phải chờ lấy phim ảnh để đưa cho BS xem mà chỉ cần cầm tờ giấy BV cung cấp có username và password đến ngay phòng khám bệnh đưa cho BS mở máy tính xem. BN cũng có thể đi khám BS khác, BV khác. Thậm chí ra nước ngoài cũng có thể sử dụng hình ảnh này, nếu có điện thoại thông minh, máy tính kết nối mạng”, BS Trung nói.
Hiện BV Ung bướu có khoảng 200 BN sử dụng dịch vụ này. “Hình ảnh cung cấp rất đa dạng, đẹp; BV chụp bao nhiêu ảnh thì cung cấp online hết cho BN, chứ không giới hạn 1 - 2 phim như khi in phim ra. Điều này giúp BS điều trị nhìn tổng quát hết các hình ảnh”, BS Trung cho biết thêm.

Tiết kiệm rất nhiều chi phí

Theo BS Diệp Bảo Tuấn - Phó giám đốc BV Ung bướu, trong lộ trình tiến tới bệnh án điện tử vào năm 2023, thì gần như tất cả thông tin về y khoa đều phải được số hóa. Đối với công tác chẩn đoán hình ảnh, việc số hóa đã được BV nghiên cứu từ lâu. Thay vì in ra phim thì hình ảnh được xem trực tiếp trên màn hình vi tính tại BV. Tuy nhiên, để sử dụng khi BN ở bên ngoài thì phải qua ứng dụng MyVue (ứng dụng cho phép người bệnh xem kết quả hình ảnh của họ thông qua trình duyệt web - PV), tức hình ảnh chẩn đoán được số hóa mà người bệnh có thể sử dụng bất cứ nơi nào trên thế giới. MyVue đang được BV thuê lại. BS Diệp Bảo Tuấn cho hay BV tiến tới sẽ không sử dụng phim - vì phim chỉ để cho BS đọc.
Nếu không in phim thì sẽ giảm chi phí điều trị cho BN rất nhiều. Hiện nay chi phí in phim chụp cho BN chiếm tới 25 - 30% (phim CT Scanner không cản quang là 600.000 đồng, trong đó 150.000 đồng là tiền phim). BV cũng không tốn không gian lưu trữ; giảm rác thải ra môi trường (tấm phim nhựa chứa bạc, hóa chất, kim loại nặng). BS Tuấn cho biết việc in phim lưu hồ sơ hiện nay vẫn phải thực hiện để thanh toán theo yêu cầu của bảo hiểm y tế (BHYT).
“Nếu được chấp thuận thì sẽ bỏ phim. Bộ Y tế và bảo hiểm xã hội nên cộng chi phí số hóa vào dịch vụ chẩn đoán hình ảnh để BN, quỹ BHYT đỡ tốn tiền (chi phí cho tấm phim)”, BS Tuấn kiến nghị.
Mỗi BN khi chụp phim xong được cung cấp một mẩu giấy nhỏ để hướng dẫn vào trình duyệt chia sẻ hình ảnh MyVue. Nếu chẳng may sập nguồn hay hệ thống quá tải không xem hình ảnh chụp phim được thì BN gọi BV và nhà cung cấp sẽ hỗ trợ hướng dẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.