Bệnh viện “bảo kê” xe cấp cứu dù!

25/03/2016 13:30 GMT+7

Một số cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đa khoa Thái Bình đã mua xe, tự lắp còi hú và dán nhãn để giả làm xe cấp cứu ép bệnh nhân sử dụng.

Một số cán bộ, nhân viên của Bệnh viện đa khoa Thái Bình đã mua xe, tự lắp còi hú và dán nhãn để giả làm xe cấp cứu ép bệnh nhân sử dụng.

Một xe cấp cứu "dù" đang ẩn náu tại bãi xe Trường Đại học Y Thái Bình - Ảnh: Văn ĐôngMột xe cấp cứu "dù" đang ẩn náu tại bãi xe Trường Đại học Y Thái Bình - Ảnh: Văn Đông
Có mặt nhiều ngày tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình, PV phát hiện tại đây có 5 xe cấp cứu gắn còi hú, thường ra vào chở bệnh nhân chuyển viện, chuyển tuyến. Trong đó có ba chiếc mang biển số Thái Bình là 17A - 04211, 17A - 04940, 17A - 02518 và hai chiếc biển Hà Nội là 30V - 7002, 30P - 2894. Những xe này cũng có còi hú, logo cứu thương, nhưng nhiều người dân cho biết đây là những xe tư nhân tự gắn nhãn mác để vận chuyển cấp cứu và chính các cán bộ, nhân viên trong bệnh viện là chủ. Ngoài còi hú, logo, các xe này không trang bị phương tiện cấp cứu, cũng không có bác sĩ, điều dưỡng viên khi vận chuyển bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế.
Trong vai thân nhân người bệnh, PV liên hệ với lái xe 30P – 2894, tên T. để thuê xe. T. cho biết giá một chuyến đưa bệnh nhân lên cấp cứu tại Hà Nội là 2 triệu đồng (đắt hơn 300.000 đồng so với giá quy định của Trung tâm cấp cứu 115, Trung tâm vận chuyển cấp cứu 911 của tỉnh Thái Bình).
Theo chị Nguyễn Thị T., một người bán hàng ở cổng bệnh viện, các xe cấp cứu “dù” này vẫn đông khách dù giá đắt, vì có sự "móc ngoặc" từ trong viện. Khi có bệnh nhân cấp cứu, một số y, bác sỹ gợi ý, thậm chí chủ động gọi các xe dù đến chở bệnh nhân. Vì e ngại, hầu hết người nhà bệnh nhân đều thuê xe này.
Hỏi cả 6 trung tâm vận chuyển cấp cứu được cấp phép của Thái Bình là 808115, Trung tâm cấp cứu Hưng Hà, Trung tâm cấp cứu 115, Dịch vụ vận chuyển cấp cứu 911…, tất cả đều khẳng định không hề có xe nào biển số như trên. Theo Giám đốc một trung tâm, tình trạng này xảy ra gần một năm, các đơn vị cấp cứu ở tỉnh đều biết, thậm chí đã phản ánh với Sở Y tế và Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Cũng theo vị giám đốc này, do thiếu phương tiện, thiếu bác sĩ chuyên môn nên từng có bệnh nhân chết trên xe dù, trên đường đi cấp cứu.
Tuy nhiên, từ ngày 22.3, khi phát hiện PV chụp ảnh, theo dõi, các xe cấp cứu dù này đã biến mất khỏi Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Ngoài 4 chiếc không rõ tung tích, chiều tối ngày 22.3, chiếc 30P - 2894 được gửi tại bãi xe của Trường Đại học Y Thái Bình, sáng hôm sau thì rời khỏi TP.Thái Bình.
Lãnh đạo bệnh viện bao che nhân viên?
Tại Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình, PV được xác nhận 3 xe mang biển số tỉnh Thái Bình có chủ sở hữu là Phòng khám Tuấn Dương (tổ 19, P.Bồ Xuyên, TP.Thái Bình). Trong đó, xe 17A - 02518 mang tên ông Trần Anh Tuấn, một trong 2 chủ phòng khám và là Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình. Với 2 xe còn lại, CSGT tỉnh Thái Bình xác định là xe của Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu Bắc Việt (Hà Nội) nhưng đã bán cho một người ở Thái Bình từ tháng 9.2015 nhưng người này không quay lại để sang tên, đổi chủ.
Ngày 23.3, trả lời PV, ông Hà Quốc Phòng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình xác nhận 2 xe cấp cứu “dù” mang biển Hà Nội là của ông Nguyễn Hải Bình, Tổ trưởng tổ bảo vệ của bệnh viện và không thừa nhận 3 xe mang biển số Thái Bình kể trên là của cán bộ bệnh viện.
Ngày 24.3, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu thừa nhận với PV 3 xe mang biển số 17A - 049.40, 17A - 042.11 và 17A - 025.18 là của Phòng khám Tuấn Dương, nhưng phòng khám này đã chấm dứt hoạt động khoảng gần 6 tháng nay. Ông Tuấn cho biết không quản lý phòng khám này: “Tôi cũng chỉ đứng tên vậy thôi, chứ không có thời gian làm. Tôi có một cái rất là sai là không sâu sát với phòng khám”, ông Tuấn nói.
Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình khẳng định sẽ điều tra, xử lý vụ việc này trong thời gian sớm nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.