Bí thư Đà Nẵng: 'Không giữ được bãi biển, Đà Nẵng sẽ mất thương hiệu'

09/03/2017 14:31 GMT+7

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lo ngại nếu không xử lý được tình trạng ô nhiễm ở bãi biển Đà Nẵng phía Q.Ngũ Hành Sơn thì TP “sẽ mất rất nhiều”.

Lo biển xâm thực tới đường

Sáng 9.3, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cùng với các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra tình trạng sạt lở tại bãi biển ven tuyến đường Võ Nguyên Giáp.

Ông Xuân Anh (áo trắng) lắng nghe các thông tin về tình hình sạt lở tại bờ biển Đà Nẵng ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, cho biết việc sạt lở bờ biển là do thay đổi gió mùa. “Ở đây gọi là xâm thực chứ không phải là sạt lở, xâm thực là bờ bị gặm từng miếng. Nguyên nhân xâm thực là do thay đổi gió mùa và xuất hiện dòng RIP, dòng chảy đâm thẳng vào bờ. Hiện nay, Viện Hàn lâm khoa học TP đang nghiên cứu vấn đề xâm thực, qua đó đánh giá tổng thể để đề xuất giải pháp”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, hiện trên khu vực biển Đà Nẵng không có công trình nào đang xây dựng. Do đó, ông Nam khẳng định sạt lở bờ biển không phải là do công trình gây ra.

Cũng theo ông Nam, hiện tượng sạt lở năm nào cũng có nhưng năm này lại gây xói lở nhiều nhất, với cường độ mạnh nhất. Mọi năm, tình trạng sạt lở chỉ vừa phải nhưng năm nay do chế độ gió mùa tăng lên gây xâm thực lớn nhất.

Bờ biển Đà Nẵng đang bị xâm thực mạnh nhất trong nhiều năm qua ẢNH: HOÀNG SƠN

Cống xả thải đang “băm nát” bãi biển

Tại cuộc kiểm tra, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng cũng nhìn nhận cửa xả thải ra biển luôn là vấn đề được nhiều cử tri có ý kiến. Các cống ô nhiễm nhất là tại các khu vực làng chài, cống Mỹ Khê… “Dự án tổng thể sắp triển khai của JICA cũng chỉ làm hệ thống gom song song với hệ thống cũ nên không giải quyết vấn đề cửa xả thải ra biển”, ông Nam nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo theo dõi sát hiện tương sạt lở ẢNH: HOÀNG SƠN

Trao đổi thêm, ông Lê Quang Nam cho biết khi mưa lớn, van ngăn nước thải không có ý nghĩa và theo thiết kế là nước phải chảy ra ngoài. “Nước chảy ra biển không chỉ gây ô nhiễm mà còn gây mất mỹ quan do xé toạc bờ biển. Nếu làm van thì vẫn không giải quyết được việc bờ biển bị phá. Sở TN-MT đề nghị giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu thiết kế cống xả chìm, không xả ra bờ biển gây hỏng bãi tắm”, ông Nam thông tin.

Ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP cho biết phương án cửa xả xa bờ đã được nghiên cứu. Tuy nhiên, đường ống xa bờ dài khoảng 300 m vẫn chưa nghiên cứu kỹ nên phải chuyển sang phương án khác.

“Làm sao phải thẩm mỹ và không gây ô nhiễm môi trường. Đảm bảo được việc này là đảm bảo du lịch TP. Mình mà mất dải bãi biển du lịch này là mình mất nhiều lắm. Du khách người ta than phiền nhiều lắm…”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Cống xả thải ra bãi biển Đà Nẵng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn băm nát bãi biển ẢNH: HOÀNG SƠN
Ông Mai Mã, Giám đốc Thoát nước và xử lý nước thải TP cho hay, mưa mùa hè hàng năm vẫn phá bãi biển, cứ một đợt là mất 1.000 - 2.000 m3 tại mỗi cửa xả.

Ông Mã cho biết hiện 5 trạm bơm dọc bờ biển có 10 máy bơm nhưng đã quá tải và đề nghị lắp mới 10 máy bơm để lấy lại công suất, làm 3 cửa xả với kinh phí khoảng 25 tỉ đồng để tạm ổn định tuyến biển này.

Theo ông Xuân Anh, với kinh phí đầu tư hơn 20 tỉ đồng thì hoàn toàn có thể giải quyết được. “Đừng tiếc tiền cho môi trường. Báo cáo Thường trực UBND TP xử lý, cần thiết thì báo cáo Thường trực Thành uỷ xử lý. Trong thẩm quyền UBND TP xử lý việc này, còn chủ trương thì tôi thống nhất xử lý sớm việc này”, Bí thư Thành ủy nói thêm.

Trước đề xuất nên bổ sung hạng mục tạo cảnh quan, cây xanh tại các cống xả. Ông Xuân Anh cho rằng, trong quá trình làm cần sáng tạo cho đẹp.

Nghiên cứu trồng cọ dọc bờ biển
Trong lúc đi kiểm tra dọc bờ biển, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã chê cảnh quan bãi biển xấu do những hàng dừa rất còi cọc. Khi biết trong kế hoạch sắp tới sẽ tiếp tục trồng dừa dọc bờ biển, ông Xuân Anh cho rằng, trồng dừa phải làm sao cho đẹp mắt “chứ không thể trồng cho vui”.
Theo ông Xuân Anh, tại Hà Nội người ta đã trồng cọ và cho cảnh quan rất đẹp. “Trồng cọ được không?”, ông Xuân Anh hỏi các đơn vị liên quan và nói tiếp: “TP mình thế này mà trồng mấy cây tàn tạ. Mà tuyến đường này phục vụ APEC. Nguyên thủ người ta ở đầy rồi đi qua về, người ta nhìn chỗ này đấy”.
Đại diện một đơn vị liên quan cho biết thời gian tới sẽ nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.