Biến CPTPP thành 'cú hích' cải cách

03/11/2018 07:17 GMT+7

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn bản liên quan để các đại biểu thảo luận và quyết định biểu quyết thông qua vào 12.11 tới đây.

Những thuận lợi và thách thức khi Việt Nam là thành viên chính thức của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được "hâm nóng" trở lại, khi Quốc hội bắt đầu các bước cuối cùng xem xét, thảo luận và biểu quyết phê chuẩn hiệp định này.
Đảm bảo được các lợi ích cốt lõi
Sáng qua 2.11, ngay sau khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tờ trình trước Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn bản liên quan, các đại biểu (ĐB) đã thảo luận tại tổ trước khi có phiên thảo luận toàn thể tại hội trường vào ngày 5.11 để quyết định biểu quyết thông qua vào 12.11 tới đây.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP Ảnh: Gia Hân
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP Ảnh: Gia Hân

Theo tờ trình của Chủ tịch nước, về tổng thể, Hiệp định CPTPP vẫn được đánh giá là một hiệp định thương mại tự do (FTA) chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Đánh giá về tác động của Hiệp định CPTPP và các văn kiện liên quan đối với Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương, thực sự nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
“Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh”, Chủ tịch nước nói.
Thuyết minh về hiệp định sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn tính toán của Bộ KH-ĐT cho hay, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Ngoài ra, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Về thu hút đầu tư, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến giúp cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Cần định lượng rủi ro
“Hiệp định CPTPP có tác động toàn diện đối với kinh tế xã hội nhưng báo cáo của Chính phủ mới chỉ đánh giá tác động ở mức độ định tính, chưa định lượng mức độ ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, thu ngân sách… cũng như chưa dự kiến các chính sách để hỗ trợ các chủ thể bị tổn thất, rủi ro phát sinh khi hiệp định có hiệu lực”, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nói.
Nhìn nhận về những thách thức, Chủ tịch nước khi trình bày tờ trình cho biết: “Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng... đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng bảo đảm vững chắc sự ổn định về chính trị xã hội của ta”.
Thảo luận tại tổ sau đó, ĐB dù tán đồng thông qua hiệp định nhưng cũng đã bày tỏ không ít băn khoăn. ĐB Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) đề nghị sau khi QH thông qua thì ngay lập tức Chính phủ phải có những giải pháp trước mắt và lâu dài, làm rõ những mặt chưa được và những thách thức, nói rõ việc doanh nghiệp và người dân cần phải làm để chúng ta có lợi thế nhất trong ký kết này.
“Nói ví dụ như 2 mặt hàng thịt gà và lợn chẳng hạn, thịt lợn vừa rồi phải giải cứu, bây giờ giá lên cao, mình có sản xuất mà muốn hòa vốn thì bà con mình ít nhất cũng phải chi phí 24.000 - 25.000 đồng/kg, trong lúc đó với cách sản xuất mới thì tập đoàn của Thái Lan vào đây chỉ hết 16.000 đồng/kg thôi, còn thịt gà rẻ vô cùng”, ông Dũng phân tích.
Tương tự, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cũng cảnh báo về việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa để hưởng lợi. “Việt Nam phải tham gia chuỗi giá trị phân phối hàng hóa, nếu đạt được xuất xứ từ Việt Nam trên 60% thì chúng ta mới được hưởng lợi”, ông Kiên phân tích và dẫn chứng câu chuyện của một ngành được cho là có nhiều lợi thế - ngành dệt may. “Dệt may hiện nguyên phụ liệu 60% nhập từ Trung Quốc. Nếu nguyên tắc xuất xứ hàng dệt may đi từ sợi thì buộc DN Việt phải thay đổi trong đầu tư để hàng hóa có lợi nhuận cao nhất. Giai đoạn 2012 - 2015 khi TPP đang đàm phán thuận lợi, dòng đầu tư từ Trung Quốc trong 3 năm đó rất cao, nhưng tới cuối 2016 khi Mỹ rút ra khỏi TPP thì dòng đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày giảm xuống. Cho nên vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ phải đổi mới mô hình sản xuất để phù hợp với áp lực thay đổi, nếu không tự đổi mới, tái cơ cấu kinh tế… sẽ khó đáp ứng. Thậm chí nếu không thì khả năng Trung Quốc tận dụng vị trí địa lý của Việt Nam để hưởng lợi từ CPTPP”, ông lo ngại.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là thỏa thuận thương mại tự do được 11 quốc gia có tăng trưởng kinh tế nổi bật ở châu Á - Thái Bình Dương gồm Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Nhật Bản, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam ký kết hồi tháng 3. Theo Reuters, tổng sản phẩm nội khối của các thành viên CPTPP đạt khoảng 10.000 tỉ USD, chiếm 13% GDP toàn cầu. Thỏa thuận ban đầu mang tên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 quốc gia, trước khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi khối hồi năm ngoái.
Hôm 31.10, Bộ trưởng Thương mại và Xuất khẩu New Zealand David Parker cho biết với vai trò đầu mối được ủy nhiệm phụ trách các nhiệm vụ chính thức của khối, nước này đã nhận được thông báo chính thức từ Úc về việc phê chuẩn hiệp định, qua đó đáp ứng đủ điều kiện ít nhất 6 thành viên hoàn tất thủ tục trong nước. Trước đó, 5 thành viên khác gồm Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore đã phê chuẩn thỏa thuận này. Quá trình đếm ngược 60 ngày cũng đã được kích hoạt, theo đó CPTPP sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 30.12 tới. Việc áp dụng các quy định cắt giảm thuế quan được tính theo năm nên đợt giảm thứ nhất sẽ áp dụng vào ngày 30.12 và đợt thứ hai vào ngày 1.1.2019. (Ngọc Mai)
Thúc đẩy cải cách thể chế
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Bên cạnh những con số đã tính toán được, thì quan trọng hơn là các lợi ích đến từ thúc đẩy cải cách thể chế. Vì nó tạo ra sự thúc ép về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn nền kinh tế để chúng ta có tăng trưởng bền vững hơn, theo xu thế bắt buộc phải bơi. Chúng ta cần một quá trình đánh giá toàn diện và cụ thể hơn vì trên thực tế, hiệu quả tăng trưởng GDP không chỉ đến từ xuất nhập khẩu mà còn trong hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ... và đặc biệt, những cải cách thể chế sẽ là động lực tăng trưởng. Ví dụ cải cách khối DN nhà nước. Cải cách tốt thì không chỉ giải phóng nguồn lực mà còn tạo cơ hội thị trường cho các thành phần khác, nhất là trong khi ta đang chủ trương phát triển kinh tế tư nhân. Thứ nữa, nó giúp chúng ta hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường. Lúc đó các vận hành của Chính phủ trong các khu vực như xăng dầu, điện... sẽ có những cải cách, bước đi mạnh mẽ.
Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may (Vinatex) Lê Tiến Trường bình luận: DN chỉ là một cỗ xe, có thể là xe cũ hoặc Rolls Royce, còn toàn bộ thể chế chính là con đường. Đường gập ghềnh, ổ gà thì có mua xe Rolls Royce cũng chỉ chạy bằng xe rẻ tiền thôi. 3 yếu tố căn cốt gồm thể chế là con đường, quản lý nằm ở người vận hành, DN chạy trên con đường đó. Các đối tác nước ngoài rất quan tâm đến năng lực cạnh tranh kinh tế, môi trường kinh doanh. Khi quốc gia có năng lực cạnh tranh tốt thì cả 3 yếu tố đó đều tốt, còn nếu tách ra thì cũng không có ý nghĩa gì.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.