Bình Dương sắp 'mọc' thêm trạm thu phí

Đỗ Trường
Đỗ Trường
30/07/2020 07:35 GMT+7

Để có 9.623 tỉ đồng dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn, UBND tỉnh Bình Dương lập dự án, trình HĐND phê duyệt việc lắp đặt trạm thu phí trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn.

HĐND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn (TP.Thuận An, Bình Dương) bằng nguồn thu phí theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).

Dự kiến vé thấp nhất 20.000 đồng/lượt

Theo nghị quyết của HĐND tỉnh Bình Dương, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên 4 tuyến đường gồm: đường Mỹ Phước - Tân Vạn (MP-TV), ĐT746, ĐT747B, ĐT743, trong thời gian 30 năm với vốn đầu tư 9.623 tỉ đồng.
Để có được số tiền này, UBND tỉnh Bình Dương đã lập dự án, trình HĐND phê duyệt, bằng việc lắp đặt trạm thu phí trên đường MP-TV qua địa bàn TP.Thuận An (Bình Dương) và thu trong thời hạn 30 năm. Mặc dù trước đó, đường MP-TV được thiết kế để kết nối các KCN của Bình Dương với nhau, không thu phí nhằm xây dựng thành tuyến đường thông minh.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương, đường MP-TV có chiều dài 62 km từ ngã ba Tân Vạn (P.Bình Thắng, TP.Dĩ An, Bình Dương) đến H.Bàu Bàng (Bình Dương) với tổng số vốn đầu tư khoảng 4.300 tỉ đồng.
Trong đó, tuyến đường được chia làm 2 giai đoạn gồm: giai đoạn 1 (đã hoàn thành và đưa vào sử dụng - PV) chiều dài 42 km từ ngã ba Tân Vạn đến điểm giao nhau với đường ĐT741 (TX.Bến Cát, Bình Dương); giai đoạn 2 từ điểm giao đường ĐT741 đến KCN Bàu Bàng, dài 20 km (sắp thông tuyến - PV).
Lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương khẳng định đường MP-TV được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư.
Trả lời Thanh Niên về mức thu và cụ thể như thế nào, một lãnh đạo HĐND tỉnh Bình Dương cho biết hiện các sở, ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh và sẽ có phương án, mức thu cụ thể.
Tuy nhiên, theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Dương tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua (ngày 17.7), dự kiến thu phí trên đường MP-TV có giá vé thấp nhất là 20.000 đồng/lượt (trong thời gian từ 2020 - 2025) và tăng trong 5 năm tiếp theo (2025 - 2030). Cũng theo vị lãnh đạo này, việc tạo cảnh quan trên các tuyến đường nêu trên bao gồm các hạng mục như: xây dựng 6 cầu vượt tuyến chính, 6 hầm chui tuyến chính, 15 hầm chui đường ngang, 28 cầu vượt dành cho người đi bộ, 7 đường gom dân sinh dọc tuyến.
Trong tổng số kinh phí 9.623 tỉ đồng có chi phí dự kiến xây dựng trạm thu phí là 48 tỉ đồng, sửa chữa mặt đường 613 tỉ đồng, xây cầu vượt và hầm chui 3.602 tỉ đồng, chi phí lãi vay 1.034 tỉ đồng, giải phóng mặt bằng 1.238 tỉ đồng…
Trước đó, tháng 9.2016, UBND tỉnh Bình Dương đã chi khoảng 40 tỉ đồng ngân sách để mua lại Trạm thu phí An Phú (P.An Phú, TP.Thuận An) đặt trên đường ĐT743. Việc làm này của Bình Dương vào thời điểm đó được người dân, doanh nghiệp phấn khởi vì trên địa bàn tỉnh có đến 11 trạm thu phí (tính cả trạm hoàn vé và không hoàn vé - PV). Trong đó, riêng trên QL13 với chiều dài khoảng 65 km nhưng có đến 2 trạm thu phí không hoàn vé (2 trạm đặt cách nhau 17,5 km do Tổng công ty Becamex IDC trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương được giao thu phí). Thời hạn thu phí trên QL13 đến năm 2037.
Vào năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương có phương án mở rộng QL13 và di dời 1 trong 2 trạm thu phí vào đường MP-TV. Tuy nhiên phương án này không được thực thi do chưa được sự đồng thuận của một số lãnh đạo và người dân Bình Dương, nhưng đến nay dự án thu phí trên đường MP-TV đã được chấp thuận.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, hiện tại mặt đường MP-TV có nhiều đoạn đã xuống cấp trầm trọng và thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông ở nhiều nút giao.

Mặt đường Mỹ Phước - Tân Vạn đang bị hư hỏng

Ảnh: Đ.T

Không có trục lợi ?

Liên quan vấn đề trên, PV Thanh Niên đã phỏng vấn ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương.
Về việc “trước đây (2015 -2016 - PV), nhiều lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định không thu phí trên đường MP-TV nhưng đến nay lại thực hiện việc thu phí”, ông Dương cho rằng trước đây khi tiến hành xây dựng đường MP-TV thì chưa có hình thức đầu tư PPP, nên Bình Dương không có chủ trương thu phí. Đến nay, loại hình đầu tư PPP (đối tác công - tư) và hợp đồng O&M (kinh doanh - quản lý) mới được hình thành và Bình Dương cho chủ trương thu phí trên đường MP-TV. Đây không phải là thu phí BOT mà là thu phí O&M để đầu tư xây dựng những hạng mục mới. Khi xây dựng xong các hạng mục rồi thì phải ngừng thu phí.
Về việc có đầu tư xây dựng mới toàn tuyến đường MP-TV trên 4.300 tỉ đồng, nhưng nay chỉ là tạo cảnh quan, chống ùn tắc nhưng chi phí lên đến 9.623 tỉ đồng, thì có lợi ích nhóm hay không, ông Dương cho rằng: “Đường MP-TV do Tổng công ty Becamex IDC đầu tư xây dựng và chịu mọi chi phí, trừ kinh phí giải phóng mặt bằng là do UBND tỉnh Bình Dương chi trả. Chi phí làm đường thời điểm đó khác bây giờ do giá vật liệu, công thợ… khác bây giờ. Tôi khẳng định không có lợi ích nhóm ở trong đó. Tiền thu phí sẽ được sử dụng vào việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường khác và xây dựng hầm chui, cầu vượt…”.
Trong khi đó, nhiều người thắc mắc, trước đây đường MP-TV đã có thiết kế xây dựng cầu vượt ở một số nút giao. Tại nút giao ngã ba Công ty Shija đã được đúc bê tông đường lên cầu vượt nhưng sau đó lại đập bỏ. Đến nay lại tiếp tục dự toán, đầu tư xây dựng cầu vượt, vậy sao không làm ngay từ đầu để khỏi lãng phí. Về việc này, ông Dương phản hồi: “Trong phương án xây dựng mới là không được xây dựng các hạng mục trùng lặp với những hạng mục đã được phê duyệt trước đó. Tôi thấy không có sự trục lợi ở đây”.
Còn về vấn đề người dân không đi trên tuyến đường ĐT743, ĐT747B và ĐT746 nhưng vẫn phải mất một phần chi phí từ việc thu phí trên đường MP-TV để duy tu sửa chữa những tuyến đường này, người dân cũng phải chịu cả tiền lãi suất ngân hàng lên đến hàng ngàn tỉ đồng, ông Dương vẫn cho rằng đó là điều bình thường. “Muốn sử dụng trước thì phải trả tiền lãi vay như đi mua hàng trả góp. Nếu nói từng cá nhân một thì vô cùng, sẽ khó làm được. Mặt khác chi phí duy tu sửa chữa là không nhiều”, ông Dương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.