Đây là lý giải của ông Nguyễn Tư Long, Phó vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (CCVC), Bộ Nội vụ, tại cuộc họp báo định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức chiều 9.5, trước ý kiến băn khoăn, việc bỏ hình thức này liệu có giảm tính nghiêm minh của việc thực thi pháp luật.
Theo ông Long, trong dự thảo luật Cán bộ CCVC sửa đổi, Bộ Nội vụ đang xin ý kiến bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về nội dung này và còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Ông Long cho rằng việc bỏ một hình thức không có nghĩa là làm giảm tính nghiêm minh, nghiêm khắc. Hình thức kỷ luật giáng chức hiện tại chỉ áp dụng với đối tượng công chức quản lý.
Ông Long chia sẻ: “Qua thực tế, có 5 hình thức xử lý cán bộ công chức lãnh đạo, gồm: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Giữa giáng chức và cách chức trong quá trình thực thi người VN có lúc duy tình. Nhiều trường hợp đáng lẽ bị cách chức, phải sử dụng hình thức mạnh là cách chức thì đâu đó có trường hợp giảm nhẹ hình thức kỷ luật đi. Theo quan điểm của Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ, Bộ Nội vụ bỏ hình thức kỷ luật giáng chức. Nếu không phải là cảnh cáo, khiển trách mà đối với đối tượng cán bộ lãnh đạo quản lý sẽ xử lý hình thức cách chức”.
Ngoài ra, ông Long phân tích việc giữ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với các yêu cầu về vị trí việc làm. Ví dụ như đơn vị xác định rõ có 1 trưởng 3 phó, nếu giáng chức thì bổ nhiệm thấp hơn, nếu có 3 phó rồi thì không còn vị trí việc làm nào để bổ nhiệm nữa. “Nếu bỏ hình thức kỷ luật giáng chức sẽ tương thích với 4 hình thức kỷ luật bên Đảng là cảnh cáo, khiển trách, cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Sự tương đồng này sẽ tạo sự liên thông trong công tác cán bộ”, ông Long nói.
Bình luận (0)