Thanh tra Chính phủ cho rằng, Bộ LĐ-TB-XH trong thời gian dài không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp, khiến người lao động nghèo phải trả số tiền lớn mà theo chính sách của bên tiếp nhận (Đài Loan, Nhật Bản) là không phải trả.
Chiều 4.3, Thanh tra Chính phủ (TTCP) thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Bộ LĐ-TB-XH và UBND các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên và Hải Dương.
Người lao động nghèo phải trả số tiền lớn
Kết luận thanh tra cho biết hoạt động xuất khẩu lao động giai đoạn 2013 - 2018 có chuyển biến tích cực; số lượng lao động tăng đều hằng năm, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên cũng đã có không ít hạn chế, vi phạm được phát hiện. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH không báo cáo Thủ tướng khi không xây dựng được chiến lược, kế hoạch về đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; ban hành một số văn bản hành chính, thủ tục hành chính không đúng quy phạm pháp luật.
Bộ LĐ-TB-XH chưa thực sự quan tâm đúng mức đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; không có biện pháp giải quyết triệt để, không báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp đàm phán với nước ngoài nhằm giảm chi phí cho NLĐ; trong thời gian dài không quản lý, kiểm soát được mức thu phí, tiền môi giới của doanh nghiệp (DN), khiến NLĐ nghèo phải trả số tiền lớn mà theo chính sách của bên tiếp nhận (Đài Loan, Nhật Bản) là không phải trả. Quy định mức phí, phí đào tạo thị trường Nhật Bản chưa phù hợp với chính sách và thỏa thuận đã ký của Nhật Bản và không đúng với tình hình thực tế, gây ảnh hưởng đến NLĐ, là nguyên nhân cơ bản khiến lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.
Kiến nghị xử lý nghiêm nhiều cán bộ
TTCP chỉ rõ, nhiều đơn vị trực thuộc Bộ LĐ-TB-XH đã tắc trách, thiếu trách nhiệm trong công tác. Như Cục Quản lý lao động ngoài nước không quản lý, kiểm soát được DN trong việc thu phí thị trường Nhật Bản, dẫn đến trong thời gian dài NLĐ phải chi trả mức phí quá cao (7.000 - 8.000 USD/lao động). Đơn vị này phát hiện nhiều DN không làm thủ tục cấp đổi giấy phép nhưng buông lỏng, không có phương án xử lý; không ban hành 22 kết luận thanh tra năm 2015. Tham mưu và ban hành văn bản đồng ý cho 13 DN được thí điểm triển khai đưa thực tập sinh kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản khi chưa ký Bản ghi nhớ hợp tác để triển khai chương trình; ký văn bản đồng ý khi chưa ban hành tiêu chí, điều kiện cụ thể để lựa chọn DN; trong đó, có DN yếu, thiếu kinh nghiệm, có DN thuộc diện phải thu hồi giấy phép, gây bất bình trong hệ thống các DN, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Bộ LĐ-TB-XH.
TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH kiểm điểm trách nhiệm chung trong điều hành, quản lý, đồng thời kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước giai đoạn 2012 - 2016; kiểm điểm trách nhiệm đối với Chánh thanh tra Bộ từ năm 2013 - 2018 do không xử phạt hết lỗi vi phạm hành chính của DN; kiểm tra, xác minh, thống kê, tổng hợp số tiền môi giới và phí dịch vụ mà các đơn vị đã thu của NLĐ không phù hợp với quy định của pháp luật, báo cáo trình xin ý kiến Thủ tướng quyết định.
Bình luận (0)