Bộ máy giảm nhiều, biên chế giảm ít

28/05/2017 08:15 GMT+7

Hà Nội sắp xếp được 231 đơn vị trên 2.600 đơn vị sự nghiệp công lập, được 8,9% nhưng tinh giản biên chế qua 8 đợt chỉ có 272 người trên tổng số 145.000 người, chỉ đạt 0,2% là điều cần xem xét.

Chiều 27.5, đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn làm việc với Hà Nội về việc đổi mới cơ quan quản lý, tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho rằng Hà Nội sắp xếp được 231 đơn vị trên 2.600 ĐVSNCL, được 8,9% nhưng tinh giản biên chế qua 8 đợt chỉ có 272 người trên tổng số 145.000 người, chỉ đạt 0,2% là điều cần xem xét. Dư địa của Hà Nội để sắp xếp lại còn rất nhiều từ y tế, giáo dục, văn hóa...
Theo ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, để các ĐVSNCL tự chủ được về kinh phí, thì phải áp dụng giá dịch vụ, nhà nước chỉ quản lý về mặt cơ chế và chính sách. Hà Nội cũng đồng thuận với chủ trương bỏ quyền chủ quản của các bộ, ban, ngành. Theo ông Chung, sau sắp xếp, cổ phần hóa, Hà Nội đã thu được gần 100 điểm đất đai về Trung tâm phát triển quỹ đất, sẽ tiến hành đấu giá để tăng thu cho TP. Lãnh đạo Hà Nội cho biết, mục tiêu của TP đến năm 2020 giảm 10% biên chế và 10% chi thường xuyên. Để thực hiện được, Hà Nội đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội thay đổi một số nội dung phí, lệ phí, vì nếu không chuyển từ phí sang giá, không chỉ Hà Nội mà các tỉnh thành muốn chuyển ĐVSNCL sang tự chủ cũng rất khó khăn.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Hà Nội đã làm rất quyết liệt việc sắp xếp bộ máy, bài bản, có kế hoạch lớp lang, không có thắc mắc, phân tâm, hầu như đồng tình ủng hộ, đây cũng là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Nhưng kết quả tự chủ của ĐVSNCL của Hà Nội cũng như cả nước rất hạn chế, mới 2,96% số đơn vị tự chủ được chi phí thường xuyên (70/2.600 đơn vị). Theo Phó thủ tướng, tăng cường tự chủ tài chính phụ thuộc nhiều yếu tố như phải xác định danh mục công thuộc nhà nước cấp phát, chi trả. Ngoài ra, phải chuyển từ phí sang giá, lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành trong giá, nhưng điều này còn phụ thuộc vào khả năng chi trả của người dân, cũng như khả năng chịu đựng của ngân sách.
Cũng theo Phó thủ tướng, trên cả nước, các ĐVSNCL vẫn còn cồng kềnh, chưa tinh gọn được, hoạt động thiếu hiệu quả, chồng chéo, lãng phí nguồn lực. Số lượng người làm việc trong các ĐVSNCL ngày càng tăng, nhất là y tế, giáo dục. Ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp công, nhất là lương viên chức rất lớn. Số lượng viên chức hưởng lương ngân sách là 2,1 triệu người, gấp 7 - 8 lần số lượng công chức trong cơ quan hành chính nhà nước. Tổng chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước khoảng 67%, trong khi ngân sách còn lại dành cho đầu tư và chi trả nợ rất ít. “Đây là một trong những đề án tiền đề để xây dựng đề án cải cách tiền lương sẽ trình Hội nghị T.Ư 7 trong năm sau”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.