43/45 tỉnh đã thông qua đề án sắp xếp
Chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sáng 9.11, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) yêu cầu Bộ trưởng cho biết, hiện nay chúng ta đã tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Vậy sắp tới có sáp nhập cấp tỉnh hay không?
Ông Gia cũng yêu cầu Bộ trưởng Tân cho biết, việc xử lý nhân sự dôi dư và cơ sở vật chất sau sáp nhập thế nào?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 32 về kế hoạch sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.
Trong vòng 8 tháng, các địa phương đã vừa tổ chức triển khai xây dựng đề án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tới nay, 43/45 tỉnh đã thông qua đề án sắp xếp. Còn 2 tỉnh, thành là Kiên Giang và TP.HCM trong tháng này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để thực hiện sắp xếp đơn vị huyện, xã.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, đến hiện tại, các địa phương đã cơ bản thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 653, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. "Đến 2021, chúng ta sẽ kết thúc", ông Tân cho hay.
Về việc Bộ Nội vụ thời gian tới có tiếp tục thực hiện sắp xếp tiếp nữa hay không, ông Tân cho hay, Nghị quyết 653 chỉ quy định sắp xếp đối với những đơn vị hành chính cấp huyện, xã đáp ứng dưới 50% hai tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Các đối tượng còn lại, nghị quyết này chưa cập đến.
Bên cạnh đó, ông Tân cũng khẳng định, Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 6 cũng chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh nên chúng ta chưa đặt vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không đặt vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Các địa phương chủ quan
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, thời gian qua, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã có một số vấn đề khó khăn cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.
Trước tiên, về việc thực hiện chế độ chính sách, lúc đầu các địa phương nghĩ đây là vấn đề thuận lợi, dễ nên hầu hết các đề án của địa phương đều đề nghị sắp xếp cán bộ công chức (dôi dư) đến 31.12.2022 là kết thúc. Tuy nhiên, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép không quá 5 năm, tức là đến hết 2025.
“Tôi có đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép áp dụng thời hạn cao nhất quy định tại Nghị quyết 653, cho phép các địa phương sắp xếp về tổ chức biên chế không quá 5 năm. Chúng ta không thực hiện theo đề nghị của các địa phương trong các đề án sáp nhập vì lúc đầu còn chủ quan”, ông Tân nói.
Ông Tân cũng cho hay, để thực hiện vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có công văn hướng dẫn việc sắp xếp và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư.
Về cơ sở vật chất, ông Tân thông tin, theo phương án của đa số địa phương đều sử dụng cơ sở vật chất của một trong hai đơn vị sáp nhập làm trụ sở mới sau sáp nhập.
“Nhưng tôi nghĩ đây cũng là vấn đề cũng khó khăn. Vậy trung tâm nằm ở đâu giữa hai đơn vị này? Vì vậy, tôi đề nghị các địa phương chúng ta nên nghiên cứu địa điểm, điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ người dân. Nếu có đầu tư cơ sở vật chất mới thì phải đưa vào kế hoạch 5 năm ngay từ nhiệm kỳ này thì chúng ta mới có thể bố trí, sử dụng cơ sở vật chất thừa cho phù hợp trong thời gian tới”, ông Tân khuyến cáo.
Bình luận (0)