Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ‘Mục tiêu dạy người vẫn bị xem nhẹ’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
26/07/2019 17:02 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá một trong những hạn chế trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thời gian qua là quá chú trọng dạy chữ trong khi dạy người vẫn bị xem nhẹ.

Chiều 26.7, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh - Xã hội tổ chức phiên họp của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021 để bàn về vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông.

Cha mẹ vẫn "khoán trắng" cho thầy cô, nhà trường

Trình bày báo cáo về công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông trong thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Chương trình, nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã có nhiều đổi mới, phù hợp hơn. Giáo dục đạo đức được giảng dạy liên tục, xuyên suốt từ tiểu học đến THPT trong các chương trình môn học; hoạt động giáo dục.
Hoạt động chào cờ và hát Quốc ca tại các buổi lễ trong trường học đã được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên tại 100% cơ sở giáo dục phổ thông; toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh trực tiếp hát Quốc ca (không phải bật loa hát sẵn).
Tuy nhiên, ông Nhạ thừa nhận, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực. “Mục tiêu dạy chữ được chú trọng nhiều, trong khi mục tiêu dạy người vẫn còn bị xem nhẹ; việc phân bố nội dung, thời lượng giáo dục đạo đức chưa phù hợp; càng lên lớp cao hơn, nội dung giáo dục đạo đức càng giảm trong chương trình chính khóa”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Theo ông Nhạ, một hạn chế nữa là công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục học sinh chưa chặt chẽ. Một bộ phận cha mẹ học sinh chưa tôn trọng các biện pháp giáo dục của trường học, vẫn còn tâm lý “khoán trắng” cho thầy cô và nhà trường.
Ngoài ra, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo trong xây dựng văn hóa học đường và giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống. Tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở một số địa phương gây bức xúc, lo lắng cho xã hội.

Khẩu hiệu, phong trào nhiều nhưng vẫn làm chưa tốt

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp

Ảnh Lê Hiệp

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, không phải tới thời điểm hiện tại mà từ khi bàn Nghị quyết 29 của T.Ư về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, chúng ta đã thấy rõ những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống gia tăng trong xã hội.
“Sau khi có Nghị quyết 29, chúng ta đã bàn, đã làm và có chuyển biến nhưng đến tới nay, những nhận định tại nghị quyết này vẫn còn nguyên giá trị. Biểu hiện suy thoái vẫn có nguy cơ gia tăng, biểu hiện suy thoái trong ngành giáo dục cũng không ít”, Phó thủ tướng nhận định và đề nghị phải nhìn thẳng, bây giờ nhất định phải làm mạnh hơn.
Theo Phó thủ tướng, chúng ta đã có rất nhiều phong trào, khẩu hiệu liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng soi vào hiện trạng thực tế thì thấy rằng chúng ta vẫn làm chưa tốt.
Từ đó, ông Đam đề nghị, để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông, cần phải đưa ra một số việc cụ thể, có thể “điểm mặt chỉ tên” được, đo đếm được và có thể áp dụng ngay trong năm học mới tới đây trong đó tập trung vào các quy định, quản lý chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
“Bộ Giáo dục - Đào tạo vẫn phải có trách nhiệm đầu tiên. Mình làm tốt trước thì sẽ lan tỏa tới gia đình, xã hội”, ông Đam nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.