Trả lời kiến nghị cử tri về việc các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven biển đã ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn, quang cảnh của các địa phương, lấy mất đường ra biển của người dân, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết, với 3.260 km bờ biển, khoảng 4.000 đảo, biển; vùng ven biển và hải đảo nước ta rất đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, giàu có về đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.
Vì vậy, các loại hình du lịch biển cũng khá phong phú và đa dạng.
Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định du lịch là một trong 6 ngành kinh tế biển quan trọng. Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết là đến năm 2030 phát triển thành công, đột phá các ngành kinh tế biển, trong đó du lịch và dịch vụ biển có vị trí quan trọng hàng đầu.
Hiện nay, việc cấp phép các dự án xây dựng (trong đó có việc xây dựng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng) phải tuân theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và các quy trình về thẩm định và cấp phép xây dựng dự án, thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, theo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch.
Việc lập quy hoạch phát triển du lịch dựa trên các quy định của luật Du lịch năm 2017, có xét đến sự phù hợp với các quy định của luật Quy hoạch; luật Di sản văn hóa; luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Di sản văn hóa; luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; luật Bảo vệ môi trường; luật Xây dựng; luật Bảo vệ và Phát triển rừng... và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
“Trong các văn bản tham mưu góp ý của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (khi được xin ý kiến) về việc lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch, luôn yêu cầu việc lập quy hoạch xây dựng phải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ hành lang bờ biển”, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch lưu ý, đồng thời cho biết Bộ “ủng hộ việc các địa phương ngừng (hoặc rút giấy phép) đối với các dự án xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng che chắn hết tầm nhìn bãi biển”.
Trước đó, Thanh Niên cũng đã nhiều lần phản ánh về tình trạng các khu nghỉ dưỡng được xây chắn hết tầm nhìn bãi biển, khiến dư luận bức xúc. Đơn cử tại TP.Nha Trang, khu du lịch Ana Mandara với diện tích 26.000 m2, “bít” toàn bộ chiều dài khoảng 400 m của bờ biển Nha Trang.
Dự án này được xây dựng từ năm 1995, có thời hạn thuê đất đến năm 2022. Được biết, để trả lại tầm nhìn cho người dân và du khách, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có chủ trương di dời resort Ana Mandara trước thời hạn.
Ngoài ra, cũng tại Nha Trang, khu giải trí Bốn Mùa - E-land Four Seasons nằm dọc theo bờ biển đường Trần Phú, được xây dựng từ năm 2014, khi đi vào hoạt động cũng gặp phải sự phản đối quyết liệt của dư luận, bởi cốt nền quá cao so với đường Trần Phú, che chắn tầm nhìn ra biển, không hài hòa với cảnh quan xung quanh.
Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phải yêu cầu chủ đầu tư sửa chữa, cải tạo theo hướng giảm mật độ xây dựng, bỏ bớt các công trình che chắn tầm nhìn ra biển Nha Trang.
Hồi giữa năm 2019, tỉnh Bình Định cũng quyết định "bứng" 3 khách sạn hàng ngàn tỉ đồng để trả lại không gian biển cho dân.
Bình luận (0)