Chủ tịch VCCI: Boeing cũng bó tay với điều kiện kinh doanh của Việt Nam

17/05/2017 10:11 GMT+7

Dẫn ra những quy định phức tạp trong một số ngành nghề kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với ràng buộc này thì ngay cả Boeing muốn vào đầu tư cũng bó tay.

Báo cáo tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp sáng nay 17.5, ông Vũ Tiến Lộc cho hay: sau "hội nghị Diên hồng" năm 2016, Chính phủ đã cụm đầu cùng doanh nghiệp ban hành Nghị quyết 35 với 3 thông điệp căn bản: doanh nghiệp giữ vai trò là động lực, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo và khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân.
Sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 đã nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, xã hội. Nhiều lần lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, trong Chính phủ không có chỗ bàn lùi.
Nhưng doanh nghiệp vẫn nơm nớp lo những chính sách thực hiện kiểu sớm nắng chiều mưa, nhiều khi DN đứng trước ngã 3 đường do thiếu công bằng trong giải quyết tranh chấp các DN, hiện tượng hồi tố trong kinh doanh, sự thay đổi chính sách đột ngột… Các kết quả khảo sát của VCCI cho thấy doanh nghiệp mỗi năm phải tiếp từ 6 - 7 đoàn thanh, kiểm tra, 14% doanh nghiệp bị kiểm tra 4 - 5 lần trong năm 2016.
Lãnh đạo VCCI bày tỏ vui mừng vì Thủ tướng hôm nay sẽ có món quà cho doanh nghiệp là Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh, không thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần trong năm.
Dẫn lại những quy định ràng buộc điều kiện kinh doanh chặt chẽ trong ngành sản xuất mũ bảo hiểm, đóng tàu…, theo ông Lộc, "ngay cả Boeing nếu muốn đầu tư vào Việt Nam cũng bó tay" với các điều kiện kinh doanh. Đúng là cần thời gian để thực hiện, nhưng tình trạng “trên bảo, dưới không nghe”, trên nóng, dưới lạnh vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Để khắc phục, VCCI đề nghị sau hội nghị cần ban hành chỉ thị cụ thể thực hiện Nghị quyết 35 theo hướng đúng địa chỉ cụ thể, thời hạn cụ thể và trách nhiệm cụ thể. Hy vọng năm 2017 - 2018 là năm tăng tốc các nỗ lực cải cách của Chính phủ.
Thủ tướng và các Phó thủ tướng tại buổi đối thoại với doanh nghiệp

Còn theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có doanh nghiệp ở Đồng Nai phản ánh 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần. Có hơn 4,8 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng sợ bị thanh kiểm tra nên chưa chuyển thành doanh nghiệp. Thực tế cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chủ yếu hoạt động trong thương mại, dịch vụ, ít sản xuất.
Doanh nghiệp phải “đi đêm”, chung chi để tồn tại
Ông Nguyễn Đăng Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cho hay: Cộng đồng DN còn khó khăn trong quá trình làm ăn chân chính, đặc biệt là gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức. Về chi phí chính thức đã giảm khá nhiều từ thuế, hải quan…, nhưng vẫn còn cao trong cơ cấu chi phí chung của DN. Về chi phí không chính thức, với các chi phí thành lập DN, khai báo hải quan đang có xu hướng giảm, nhưng các khoản như xin cấp chứng chỉ hành nghề, tiếp cận đất đai, ngân hàng… chưa có gì cải thiện. DN vẫn phải tiếp tục chi các khoản không chính thức, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Theo ông Thân, nguyên nhân do chính các cán bộ, viên chức nhà nước, dù Chính phủ đã rất quyết tâm nhưng có sự thờ ơ, vô tâm của một bộ phận thực thi tìm cách bắt lỗi DN, muốn làm nhanh phải chung chi, đi đêm. Do lương của cán bộ viên chức còn thấp, đạo đức kém nên tìm cách kiếm thêm từ DN. Bản thân DN cũng đi đêm hoặc buộc phải chấp nhận chung chi để tồn tại. Nếu các chi phí không được rà soát, sẽ khiến DN mệt mỏi, không biết đường nào mà thoát ra. Để chấn chỉnh, cần sự chung tay của cả cán bộ lẫn doanh nghiệp.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay, nhiều nhà đầu tư vẫn xác định Việt Nam là điểm đến đầu tư và mở rộng đầu tư. Trước đây, Việt Nam được nhìn nhận là công xưởng, nhân công giá rẻ của thế giới thì hiện nay đã thành các trung tâm sản xuất quy mô hàng tỉ USD. Sự quyết tâm liêm chính, kiến tạo của Chính phủ đã tạo hứng khởi cho DN. Ông Hải cũng kiến nghị: Có sự liên kết DN Việt Nam với DN FDI; không thể phát triển bền vững nếu chỉ dựa vào nhân công giá rẻ nên cần lựa chọn các ngành chiến lược để đầu tư; năng suất lao động còn thấp so với khu vực, cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục để tăng năng suất lao động. Trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp VN có phần "hụt hơi" khi cạnh tranh với DN FDI, cần phải nhìn nhận lại từ chính doanh nghiệp, cải cách, nâng cao quản trị, công nghệ, cạnh tranh… Với làn sóng của DN FDI, đây là cơ hội vàng của VN để cải cách đất nước, mong Chính phủ tạo điều kiện để VN thành con hổ mới của châu Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.