Bùng nổ kinh tế Việt - Mỹ, Triều Tiên có thể tham khảo gì?

Anh Vũ
Anh Vũ
25/02/2019 13:44 GMT+7

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam sau mở cửa, cùng mối quan hệ chuyển thù thành bạn với Mỹ, có thể là mô hình kiểu mẫu để Triều Tiên có thể tham khảo tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra.

Chuyển thù thành bạn, kinh tế phi mã

[VIDEO] Cậu bé Hà Nội gây sốt với kiểu tóc Kim Jong-un
Trong bài viết mới nhất vừa đăng tải ngày 25.2, CNN đánh giá Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong - un sẽ có một cuộc thượng đỉnh mang tính biểu tượng hơn tại Việt Nam. Một đất nước chuyển mình từ đối địch với Mỹ sang quan hệ hòa bình trong chưa đầy 50 năm.
Theo CNN, các chuyên gia trên thế giới đánh giá rất cao mô hình phát triển của Việt Nam mà Triều Tiên với đặc điểm tương đồng có thể tham khảo. Việt Nam đã bùng nổ kinh tế kể từ khi áp dụng cải cách mang tính thị trường.
Đối với Triều Tiên, Việt Nam là một minh chứng cải cách nền kinh tế, còn với Mỹ, đó là một ví dụ về cách xác định lại mối quan hệ để hai bên cùng có lợi. Năm 1995, khi Hà Nội và Washington bình thường hóa quan hệ, xuất nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam trị giá lần lượt chỉ là 252 triệu USD và 199 triệu USD. Tuy nhiên, trong 11 tháng năm 2018, Mỹ đã xuất 8 tỉ USD hàng hóa sang Việt Nam và nhập 45 tỉ USD, theo số liệu điều tra của Mỹ.
“Con đường của Việt Nam từ một kẻ thù đến một đối tác thân thiện của Mỹ đặc biệt hấp dẫn Triều Tiên, người tin rằng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ có thể giúp tạo ra môi trường phù hợp và điều kiện cần thiết để Triều Tiên đạt được động lực chiến lược mới trong phát triển kinh tế”, CNN dẫn ý kiến của Tong Zhao, một thành viên tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie - Tsinghua tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
thuong-dinh-my-trieu
Lực lượng an ninh chuẩn bị cho việc bảo đảm an ninh, an toàn tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra  Ảnh Ngọc Dương
Bình luận thêm về vấn đề này, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, người từng có nhiều năm làm việc tại Mỹ cho biết, với việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, sau cải cách và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. GDP đầu người hơn 90 triệu dân đã tăng từ 400 USD lên gần 2.600 USD vào năm 2018. Cùng đó, quy mô GDP đã tăng trên 38 lần, lên hơn 5,5 triệu tỉ đồng.
Việt Nam đã chuyển mạnh nền kinh tế từ bao cấp sang kinh tế thị trường với vai trò kiến tạo phát triển của nhà nước. Cơ chế thị trường và thành phần kinh tế tư nhân nhanh chóng trở thành động lực chủ đạo quyết định công cuộc phát triển, nhà nước đóng vai trò định hướng, yểm trợ và khuyến tạo, ông Hiếu đánh giá.

Hấp dẫn Triều Tiên 

[VIDEO] Ca sĩ cũng đi cắt tóc kiểu Chủ tịch Kim Jong-un miễn phí ở Hà Nội
Trước đó, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4.2018, ông Kim cũng nhấn mạnh đến khả năng Bình Nhưỡng sẽ áp dụng mô hình phát triển của Hà Nội.
Kinh tế Việt Nam đang phát triển "phi mã" với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 7%, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á. Các nhà đầu tư nước ngoài, mà đứng đầu là tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, đang "đổ xô" vào đầu tư ở mức kỷ lục tại Việt Nam, và Việt Nam đang gặp hái được thành quả từ các hiệp định thương mại tự do.
Ngay cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7.2018, cũng đã nhắc tới thành công của Việt Nam khi thu hút được hàng tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các chuyên gia kinh tế Việt Nam nhận định thêm, có một số tương đồng giữa Việt Nam những năm 1980 và Triều Tiên ngày nay. Khi quá trình đổi mới bắt đầu, Việt Nam bị cô lập về ngoại giao bởi một số quốc gia phương Tây, do vậy, có rất ít cơ hội tiếp cận với thị trường và các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cố vấn cải cách kinh tế cho Chính phủ Việt Nam những năm 1990, giống như Triều Tiên, Việt Nam - với lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, bắt đầu cải cách và cho phép nông dân sở hữu ruộng lúa, tự sản xuất và bán ra thị trường. Đến năm 1988, Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo đã trở thành nước xuất khẩu mặt hàng này.
Trên đà đổi mới, Việt Nam tiếp tục mở cửa nền kinh tế cho các nhà đầu tư và thương mại nước ngoài, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và bắt đầu cổ phần hóa các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước.
Tại Triều Tiên, quốc gia này cũng đang có dấu hiệu “thay da đổi thịt”. Ước tính, nền kinh tế Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un tăng trưởng ổn định 1 - 5% hàng năm. GDP trung bình đầu người đạt 1,46 triệu won, tương đương 1.340 USD vào năm 2016. Bất chấp các lệnh trừng phạt, Triều Tiên giờ đây đã có những trung tâm mua sắm hiện đại, dịch vụ điện thoại di động cũng đã phát triển nhanh chóng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, nếu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội đạt được những kết quả tốt đẹp, các lệnh trừng phạt được nới lỏng, Triều Tiên sẽ giàu cơ hội tận dụng các nguồn tài nguyên của mình để xây dựng một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo ước tính, có khoảng 200 loại khoáng sản khác nhau ở Triều Tiên. Nước này cũng thuộc top các nước có trữ lượng đất hiếm nhiều nhất thế giới, lên đến 10.000 tỉ USD. “Cùng với những bài học đi trước của Việt Nam, chắc chắn Triều Tiên cũng sẽ cất cánh trong tương lai”, ông Hiếu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.