Không nên để tinh thần chống dịch bị 'chùng'

29/07/2020 06:31 GMT+7

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng thời gian vừa qua các địa phương có tâm lý lơ là phòng dịch , tinh thần chống dịch bị ''chùng'' xuống.

Với việc phát hiện các ca mắc trong cộng đồng tại Đà Nẵng, ông Phu cảnh báo không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương cần duy trì trở lại việc thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt hơn. "Mỗi người dân cũng cần khắc phục tâm lý chủ quan, cần thực hiện khai báo y tế nếu có ho, sốt. Vừa qua, nhiều người đã không thực hiện đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, các tòa nhà, khu chung cư cũng không còn duy trì nước sát khuẩn tay", ông Phu nói. Riêng với Đà Nẵng, ông Phu cho rằng ngành y tế cần đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, nhằm xác định sớm ca bệnh từ đó tiếp tục khoanh vùng, dập dịch, không để xảy ra tình trạng phát hiện muộn như ca bệnh 416.

Bệnh nhân Covid-19 thứ 432 và 433 đã đi đâu, gặp những ai?

Siết lại công tác phòng chống tại bệnh viện

Trước diễn biến dịch phức tạp, nguy hiểm trong Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, ngày 28.7 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) đã có công điện hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị khẩn trương siết chặt các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh rà soát, củng cố và thực hiện thật nghiêm các quy định về các biện pháp phòng, và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh đã ban hành.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng BCĐ, yêu cầu: ''Các cơ sở điều trị cần tăng cường các biện pháp sàng lọc, chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm ca bệnh, cách ly kịp thời. Tuyệt đối không để tình trạng phát hiện muộn ca bệnh'' và nhấn mạnh: ''Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí BV an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Thủ trưởng các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm nếu không triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị được phân công phụ trách. Các BV nếu xếp loại “không an toàn” sẽ bị xem xét tạm dừng hoạt động''.

Nhiều người về từ Đà Nẵng lo lắng vì không được xét nghiệm

Hôm qua, nhiều người dân Hà Nội trở về từ Đà Nẵng lo lắng phản ánh việc họ xuất hiện triệu chứng, đến cơ sở y tế để khám sàng lọc và xét nghiệm Covid-19 nhưng không được xét nghiệm mà chỉ được thông báo chờ.

TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 người đến từ Đà Nẵng từ ngày 1.7

Chiều 28.7, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, cho biết Hà Nội mới chỉ khuyến cáo người dân trở về từ Đà Nẵng tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế. Cơ quan y tế địa phương sẽ phân loại và ai cần phải xét nghiệm sẽ được thông báo.
“Nguy cơ bùng phát dịch của Hà Nội cao hay không phụ thuộc rất lớn vào người dân. Nếu người dân khai báo đầy đủ, tuân thủ các quy định phòng dịch thì không đáng ngại, nếu có dịch cũng có thể khoanh vùng và xử lý sớm. Nếu người dân không khai báo, nguy cơ sẽ là rất lớn. Chúng tôi đề nghị người dân bình tĩnh, tự theo dõi sức khỏe, tự cách ly tại nhà và khai báo y tế đầy đủ”, ông Tuấn nói.
Trong khi đó, theo Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý, vật tư và năng lực hiện có của Hà Nội không đủ để xét nghiệm cho tất cả mọi người trở về từ Đà Nẵng. Hà Nội cũng chưa chủ trương xét nghiệm diện rộng cho tất cả người trở về từ Đà Nẵng, vì vừa không đúng đối tượng vừa lãng phí nguồn lực, trong bối cảnh chưa rõ dịch bệnh sẽ diễn tiến ra sao.

Sáng 29.7: Thêm 8 ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng, Việt Nam ghi nhận 446 bệnh nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.