Bước ngoặt mới của TPP

12/11/2017 08:00 GMT+7

Tiến trình đàm phán TPP sẽ tiếp tục với tên gọi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thành công và đạt bước tiến đáng ghi nhận sau nhiều nghi ngại trước những diễn biến đầy bất ngờ tại bàn đàm phán trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC ở Đà Nẵng. Theo tuyên bố chung được đưa ra vào ngày 11.11, bộ trưởng 11 nước thành viên còn lại của TPP đồng ý duy trì các nội dung của hiệp định, đồng thời cho phép các bên tạm hoãn một số lượng hạn chế nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng nhất trí về danh mục gồm 4 vấn đề cụ thể đã đạt được tiến bộ quan trọng nhưng cần thêm đồng thuận trước khi ký kết thỏa thuận với tên gọi mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tại cuộc họp báo hôm qua, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho hay 20 điều khoản trong thỏa thuận ban đầu sẽ được tạm dỡ bỏ khỏi tiến trình đàm phán, bao gồm nhiều điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ. Dù thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được hoàn tất nhưng các thành viên đã đồng ý về lộ trình cho các cuộc thảo luận tiếp theo. Theo Bộ trưởng Motegi, thỏa thuận sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi ít nhất 6 trong số 11 thành viên phê chuẩn.

tin liên quan

Tại sao Thủ tướng Canada Trudeau vắng họp TPP?
Bộ trưởng Thương mại Canada đã có câu trả lời cho sự vắng mặt vào phút chót của Thủ tướng Justin Trudeau khiến cuộc họp giữa lãnh đạo 11 thành viên TPP chiều 10.11 không thể diễn ra.
Trả lời câu hỏi về những khúc mắc và khó khăn của VN trong đàm phán, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, người đồng chủ trì họp báo, cho biết hiện chưa thể thông tin chi tiết cụ thể, nhưng nhìn chung VN đã gặp khó khăn nhất định trong việc “duy trì, thảo luận, thống nhất, cũng như tìm cách cân bằng chung các lợi ích của các quốc gia”. Ông cho hay VN đã có những nghiên cứu thực tiễn về các mặt của phát triển triển kinh tế - xã hội, để có những đóng góp trong việc cân bằng lợi ích của các thành viên.
Bộ trưởng Motegi lưu ý chỉ có 20 điều khoản bị tạm hoãn trong số 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận. Ông cũng bày tỏ hy vọng diễn biến mới sẽ là bước tiến trong nỗ lực kéo Mỹ quay trở lại. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận xét thỏa thuận lần này đã tạo cân bằng chung cho các quốc gia. “Chúng tôi cho rằng những đoạn đường khó khăn nhất chúng tôi đã đi qua và chúng ta đang đến rất gần với thỏa thuận...”, ông nói.

tin liên quan

Đạt được thỏa thuận về TPP-11 sửa đổi
Trong một diễn biến đột phá, các bộ trưởng TPP-11 vào hôm nay thông báo họ đã đạt được một thỏa thuận để thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Mỹ rút khỏi.
Giải thích về tên gọi mới CPTPP, Bộ trưởng Motegi cho hay do TPP-12 đã chuyển thành TPP-11 nên tên gọi cũng phải khác đi. “Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều xoay quanh vấn đề tên gọi. Nội dung không chỉ bao trùm thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác nhau. Đây là hiệp định rất toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực, về bản chất là cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định đã được ký kết trước đây”, ông nói. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng giải thích thêm rằng “toàn diện và tiến bộ” là hai chủ đề tất cả các bộ trưởng đều đồng thuận và tên gọi mới cũng nhận được sự đồng thuận rất cao.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Nobuhide Hayashi, Chủ tịch Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) nhận xét dù dưới cái tên nào thì việc 11 nước đồng ý tiếp tục hợp tác đã là một điều rất đáng mừng. “Đây là cơ hội tuyệt vời cho 11 nước có thể giao thương với nhau thay vì chỉ là những thỏa thuận song phương. Và tôi tin rằng, khi thỏa thuận của 11 nước hoàn tất, Mỹ có thể quay trở lại”, ông bày tỏ.
Tương tự, AFP dẫn lời chuyên gia Deborah Elms của Trung tâm thương mại châu Á (Singapore) cho rằng ngay cả khi không có Mỹ, CPTPP sẽ là “hiệp định thương mại quan trọng nhất được ký kết trong 20 năm qua”. Theo bà, nhiều doanh nghiệp lớn đã không còn để ý đến TPP sau khi Mỹ rút lui, nhưng giờ đây họ sẽ lao vào tìm hiểu về thỏa thuận mới.

3 ngày xoay chuyển
Tuyên bố chung được đưa ra sau hàng loạt diễn biến bất ngờ liên quan đến thông tin về số phận của thỏa thuận. Tại Đà Nẵng, tiến trình đàm phán có dấu hiệu lạc quan khi các bộ trưởng Nhật và Mexico sau các cuộc họp kéo dài đến khuya 9.11 cho biết đã đạt thống nhất về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, ít giờ sau đó, Bộ trưởng Thương mại Canada François-P Champagne phủ nhận việc đạt được đồng thuận. Đến chiều 10.11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bất ngờ vắng mặt tại cuộc họp được lên lịch giữa lãnh đạo các thành viên TPP-11, khiến cuộc họp bị hoãn và phía Canada giải thích là do “lịch trình bị sắp xếp trùng giờ”. Vì thế, tối 10.11, các nhà đàm phán lại nhóm họp với kết quả là sự đồng thuận về tuyên bố chung nói trên. Phát biểu trong cuộc họp báo chiều qua, Thủ tướng Trudeau nói Canada bày tỏ hài lòng với bước tiến của TPP nhưng còn nhiều việc phải làm để thông qua thỏa thuận. “Tôi có trách nhiệm làm cho đây là thỏa thuận tốt của Canada và người Canada”, ông nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.