Cái chính là cần minh bạch quy hoạch để người dân giám sát

08/11/2018 22:16 GMT+7

Quốc hội đang xem xét dự án luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan tới quy hoạch, trong đó điều chỉnh tới 37 luật liên quan. Các chuyên gia cho rằng, nên phải có quy hoạch xây dựng tỉnh, ngoài quy hoạch tỉnh.

Xu hướng tích hợp trong luật Quy hoạch nhận được sự đánh giá cao. Tuy nhiên, một số điều chỉnh liên quan đến luật Xây dựng hiện đang gây tranh cãi.
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch vẫn theo hướng cần phải duy trì quy hoạch xây dựng (QHXD) tỉnh, mặc dù có sự trùng lặp về phạm vi, mức độ chi tiết với quy hoạch tỉnh (QH tỉnh) trong luật Quy hoạch. Theo Chính phủ, QHXD tỉnh trong luật Xây dựng sẽ cụ thể hoá nội dung QH tỉnh, bao gồm thuyết minh, bản vẽ, chỉ dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng, làm cơ sở triển khai lập các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch các khu chức năng và các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp nước, thoát nước, chuẩn bị kỹ thuật, xử lý nước thải, nghĩa trang trên địa bàn tỉnh.
Thẩm quyền phê duyệt QHXD tỉnh được sửa đổi theo hướng phân cấp cho UBND tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Trường hợp quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh có tác động lớn đến kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh, vùng, quốc gia, Bộ Xây dựng tổ chức lập theo phân công của thủ tướng.
Sự khác biệt của QHXD tỉnh với quy hoạch tỉnh
Theo Bộ Xây dựng, luật Quy hoạch năm 2017 có rất nhiều đoạn trùng lặp luật Xây dựng năm 2014, khiến cho khái niệm QH tỉnh có vẻ như bao hàm được toàn bộ nội dung QHXD tỉnh. Tuy nhiên, giữa hai loại quy hoạch này có nhiều điểm khác biệt.
QH tỉnh là quy hoạch thiên về chính sách tổng thể về kinh tế, xã hội phi vật thể. Hiểu đơn giản là, để ra quyết sách trong 5-10 năm tới, tỉnh sẽ phát triển ưu tiên công nghiệp làm mũi nhọn cái đó là trách nhiệm QH tỉnh. Nhưng rất khó khăn nếu dùng QH tỉnh để xác định phải đặt các con đường cao tốc với hướng tuyến như thế nào thì hợp lý? Các khu công nghiệp bố trí ở các vùng nào? Quy mô lớn nhỏ ra sao? Cảng biển như thế nào? Hình hài, quy mô đô thị ra sao thì phù hợp? Bố trí định cư cho các khu dân cư thế nào cho bền vững để vừa phục vụ phát triển công nghệp và đảm bảo các vấn đề an sinh, xã hội, môi trường…
Còn QHXD tỉnh là công cụ phục vụ việc ra quyết sách cụ thể ở lĩnh vực không gian, đất đai - Đây là quy hoạch thiên về không gian vật thể. QHXD tỉnh lập ra là để phân định cụ thể không gian, đất đai cho các lĩnh vực khác nhau, cùng tồn tại hài hòa với nhau trong tương lai. QHXD tỉnh không có mục tiêu kiến thiết nền kinh tế của tỉnh vì QH tỉnh đã làm, mà tập trung vào kiến tạo cấu trúc không gian, phải dựa trên các mục tiêu mà QH tỉnh đã chỉ ra.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội nói: “Tôi cho rằng, QH tỉnh trong luật Quy hoạch và QHXD tỉnh trong dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch có nội hàm khác nhau. Nếu nói những nội dung của QHXD tỉnh đã được tích hợp trong QH tỉnh thì chưa thực sự đầy đủ, chính xác. Vì QH tỉnh mang tính định hướng, là quy hoạch chung; còn QHXD tỉnh sẽ cụ thể hóa QH tỉnh. Đây là nguyên tắc, là cách tiếp cận rất hợp lý”.
Cũng theo ông Nghiêm, đất nước có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và có cả quy hoạch ngành. Trong luật Quy hoạch đề ra 37 loại quy hoạch ngành, trong đó có quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Vậy, đề xuất có QHXD tỉnh không trái với luật Quy hoạch và các luật khác. Cần phải có QHXD tỉnh nhưng nội hàm QHXD tỉnh cụ thể như thế nào thì cần phải làm rõ. 
Đồng quan điểm này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị VN nêu quan điểm phải phân biệt rõ giữa QH tỉnh và QHXD tỉnh là 2 cái nội hàm khác nhau và đều có giá trị trong việc xây dựng đất nước.
QH tỉnh là để làm kinh tế xã hội, để nói rõ các sự phát triển của xã hội, để làm GDP, để làm sự phát triển các ngành, để làm rõ việc làm các quy hoạch chuyên ngành: về đất đai, về nhân lực, về khai thác tài nguyên, tài nguyên cả con người nữa như thế nào cho nó phù hợp. Đấy là QH tỉnh có thể làm được, nhưng mà lĩnh vực về đô thị, lĩnh vực về nông thôn, lĩnh vực về công nghiệp, lĩnh vực về cảnh quan đô thị, và tất cả những thứ về hành lang kỹ thuật thì quy hoạch này không thể nói lên được. Cho nên không thể gộp QHXD tỉnh chung với QH tỉnh.
TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng QH tỉnh nên làm theo hướng tổng thể, tích hợp đa ngành và để làm sao các ngành không có các định hướng chồng lấn, dẫm chân lên nhau vì mục tiêu chung. Còn lại đầu tư xây dựng cụ thể như thế nào, ở đâu, quy mô ra sao, hình dáng ra sao, kết nối với nhau như thế nào là nhiệm vụ của QHXD tỉnh. 
Phải minh bạch để dân giám sát
Trao đổi với Thanh Niên bên lề Quốc hội, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc tích hợp tất cả các nội dung cần quy hoạch thành một bản quy hoạch duy nhất là điều rất lý tưởng.
Riêng việc có nên có QHXD tỉnh riêng bên cạnh QH tỉnh không, hay là gộp nội dung này vào trong QH tỉnh, đại biểu này cho rằng, về mặt lý thuyết có thể gộp tất cả các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào nội dung QH chung.
“Tuy nhiên, quy hoạch xây dựng là một dạng của quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và có những biểu diễn riêng về mặt đặc tính kỹ thuật. Do vậy, nên để QHXD tỉnh như là một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành riêng để chúng ta chi tiết hóa những nội dung phát triển không gian của QH tỉnh”, ông Cường nêu quan điểm.
Đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh quy hoạch chính là một công cụ để nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về định hướng phát triển một lĩnh vực nào đó. Vậy QHXD tỉnh chính là công cụ để nhà nước thực hiện chức năng quản lý hoạt động xây dựng quy hoạch trên không gian tỉnh để đảm bảo chi tiết hóa không gian phát triển kinh tế xã hội của lãnh thổ. "Tôi đồng tình với đề xuất của dự thảo luật cũng như Tờ trình của Chính phủ nên duy trì quy hoạch xây dựng tỉnh riêng như là một dạng quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành", ông Cường nói.
Ông Cường cũng nhấn mạnh quan điểm: “Không phải cứ xoá các quy hoạch là tốt. Cái chính là chúng ta minh bạch nó, đơn giản nó để người dân vừa dễ nhìn, vừa giám sát thì sẽ tốt hơn. Làm được vậy thì khi người dân thực hiện đúng quy hoạch, không trái với quy hoạch, sẽ không cần phải xin phép nữa. Chỉ khi người dân sai quy hoạch thì chúng ta mới xử lý. Như vậy sẽ tránh được cấp phép xin - cho”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.