Cận cảnh cuộc sống tại khu vực phong tỏa phòng Covid-19 giữa trung tâm Đà Nẵng

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
28/07/2020 12:46 GMT+7

Mọi hoạt động ra vào khu phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đều được lực lượng công an kiểm soát nghiêm ngặt.

Sáng 28.7, khu phong tỏa gồm các khu dân cư và 3 bệnh viện là ổ dịch Covid-19 tại Đà Nẵng được các cán bộ, chiến sĩ công an đứng chốt nghiêm ngặt. Lực lượng bao gồm: quân sự, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động…

Cuộc sống trong khu phong tỏa ở Đà Nẵng ngày giãn cách xã hội vì Covid-19

'Nội bất xuất, ngoại bất nhập'

Theo văn bản của Chủ tịch TP.Đà Nẵng, ngành chức năng đã thực hiện phong tỏa 3 bệnh viện, gồm: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và các khu dân cư lân cận từ 0 giờ ngày 28.7.

Chốt Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai vắng lặng trong buổi đầu phong tỏa

Ảnh: Hoàng Sơn

Đà Nẵng cũng phong tỏa khu vực các tuyến đường: đường Quang Trung (từ nút giao Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung tới nút Đống Đa - Quang Trung); đường Hải Phòng (từ nút giao Hải Phòng - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Hải Phòng - Ông Ích Khiêm); đoạn đường Ông Ích Khiêm (nút Ông Ích Khiêm - Hải Phòng đến nút Ông Ích Khiêm - Đống Đa) và đường Nguyễn Thị Minh Khai (từ nút giao Quang Trung - Nguyễn Thị Minh Khai tới nút Nguyễn Thị Minh Khai – Hải Phòng).
Từ 0 giờ ngày 28.7, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Đà Nẵng) đã lập 10 chốt phong toả cấm tất cả các phương tiện, người dân tiếp cận khu vực 3 bệnh viện đã nêu.

Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội như thế nào?

Bên trong khu phong tỏa, người dân đóng cửa kín mít và hạn chế ra ngoài

Ảnh: Hoàng Sơn

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, bên trong khu phong tỏa, đa số người dân đều đóng cửa, ở nhà. Một số người có việc ra khỏi nhà đều mang khẩu trang. Đa số đều dùng xe đạp để đi lại.

Theo quy định, những người có việc chỉ được di chuyển đến 10 chốt. Sau đó, người bên ngoài chốt đặt hàng, giấy tờ quan trọng ngay tại chốt. Người ở bên trong khu phong tỏa chỉ đến nhận hàng khi người giao hàng đã rời đi.

Cần việc đến chốt, người dân sử dụng xe đạp để đi lại

Ảnh: Hoàng Sơn

Một số cán bộ công an cho biết thực hiện chỉ đạo của cấp trên, các lực lượng đứng chốt phải túc trực 24/24 giờ. Nếu không được sự đồng ý của cấp trên về việc giải quyết các trường hợp có việc cấp bách, lực lượng đứng chốt phải đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Xếp hàng chờ… nhập viện

Theo ghi nhận, tại các chốt giao giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai - Quang Trung; chốt Nguyễn Thị Minh Khai - Hải Phòng lượng người qua lại thưa vắng. Nếu có người dừng xe tụ tập, ngay lập tức lực lượng công an sẽ giải tán.

Chốt Quang Trung - Đống Đa được mở để xe cấp cứu trung chuyển bệnh nhân nhập viên đang chờ bên ngoài hàng rào

Ảnh: Hoàng Sơn

Trong khi đó, chốt gần Bệnh viện Đà Nẵng, gồm: chốt Đống Đa - Quang Trung, Hải Phòng - Ông Ích Khiêm, người dân tập trung khá đông để chờ xe cấp cứu trung chuyển nhập viện.

Từ sáng sớm, tại các chốt này, người dân đã tập trung và xuất trình các giấy tờ liên quan để nhập viện.

Bà V. (44 tuổi) cho biết bà đã chờ từ lúc 6 giờ sáng để được nhập viện chạy thận nhưng đến 10 giờ sáng vẫn chưa được gọi tên. “Những bệnh nhân khác bị bệnh nặng hơn thì được ưu tiên vào trước. Chúng tôi tuy chạy thận nhưng vẫn còn đi lại được nên ưu tiên cho những người bệnh nặng hơn vào trước. Ai cũng chờ như mình mà…”, bà V. chia sẻ.

Hàng chục người dân là bệnh nhân và người nhà tập trung để được nhập viện

Ảnh: Hoàng Sơn

Chị T. (35 tuổi) chạy thận đã hơn 1 năm qua. Chị cũng chờ tại chốt Đống Đa - Quang Trung từ 7 giờ 30, đến 11 giờ mới được lên xe cấp cứu nhập viện. “Mỗi tuần, tôi phải chạy thận 2 lần. Cứ đến viện rồi về. Nhưng lần này thì khác, tôi phải chuẩn bị tư trang hành lý vì xác định vào bệnh viện là cách ly luôn. Đồ đạc hơi nhiều…”, chị T. nói.

Thứ tự ưu tiên nhập viện được tính từ ca bệnh nặng cho đến bệnh nhẹ

Ảnh: Hoàng Sơn

Trong khi những bệnh nhân chạy thận có thể tự nhập viện thì những trường hợp bệnh nhân phụ thuộc, người nhà của họ cũng chịu chung cảnh cách ly khi nhập viện.

Khi xe cấp cứu vừa trờ đến chốt, lực lượng công an và y tế đẩy xe lăn cho các bệnh nhân lên xe. Người nhà một bệnh nhân cùng đẩy chiếc xe lăn, khi được các công an thông tin: “Vào là cách ly luôn đó chị nha!”, chị gật: “Tôi muốn cách ly để chăm sóc cho con trai mình”.

Dưới đây là một số hình ảnh cận cảnh khu phong tỏa tại trung tâm Đà Nẵng:

Hàng rào thép được giăng chéo tại các ngã tư để phong tỏa nhiều khu phố và 3 bệnh viện

Ảnh: Hoàng Sơn

Người dân mang nhu yếu phẩm tiếp tế cho khu phong tỏa

Ảnh: Hoàng Sơn

Hàng hóa chỉ được mang đến hàng rào và chỉ được tập trung ngay tại khu vực này chờ người bên trong khu phong tỏa đến nhận

Ảnh: Hoàng Sơn

Hàng hóa chỉ được mang đến hàng rào và chỉ được tập trung ngay tại khu vực này chờ người bên trong khu phong tỏa đến nhận

Ảnh: Hoàng Sơn

Người dân bên trong khu phong tỏa đến nhận hàng ngay hàng rào chốt chặn

Ảnh: Hoàng Sơn

Nhiều người dân xin được vào khu phong tỏa gửi đồ cho người thân nhưng không được đồng ý

Ảnh: Hoàng Sơn

Xe cấp cứu liên tục vào ra để đưa bệnh nhân đến bệnh viện

Ảnh: Hoàng Sơn

Xe cấp cứu chỉ đến ngay hàng rào thép phong tỏa và lần lượt từng người bệnh lên xe

Ảnh: Hoàng Sơn

Xe cấp cứu chỉ đến ngay hàng rào thép phong tỏa và lần lượt từng người bệnh lên xe

Ảnh: Hoàng Sơn

Bệnh nhân vạ vật từ sáng sớm nhưng đến hơn 3 giờ đồng hồ chờ đợi vẫn chưa được trung chuyển vào viện

Ảnh: Hoàng Sơn

Bệnh nhân vạ vật từ sáng sớm nhưng đến hơn 3 giờ đồng hồ chờ đợi vẫn chưa được trung chuyển vào viện

Ảnh: Hoàng Sơn

Nhiều bệnh nhân chạy thận xác định đã vào khu phong tỏa là chịu cảnh cách ly nhưng họ sẵn lòng vì không còn cách nào khác

Ảnh: Hoàng Sơn

Nhiều bệnh nhân chạy thận xác định đã vào khu phong tỏa là chịu cảnh cách ly nhưng họ sẵn lòng vì không còn cách nào khác

Ảnh: Hoàng Sơn

Người dân sống trong khu vực bị phong tỏa ở Đà Nẵng nói gì?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.