Ngày 19.5, tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân T.T.Đ (33 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM) trong tình trạng nguy kịch do bị đâm vào tim.
Theo lời của người nhà, bệnh nhân cản một người khác đang đâm chồng mình thì bị người này đâm vào ngực trái. Bệnh nhân mất máu và được đưa đi cấp cứu.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được ghi nhận đang trong tình trạng lơ mơ, mạch, huyết áp không đo được...; đồng thời bị ngưng tim.
Trước tình huống cứu người khẩn cấp, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã tiến hành xử trí hồi sức ngưng hô hấp tuần hoàn, đặt nội khí quản, đặt máu, xét nghiệm tiền phẫu, xét nghiệm nhanh Covid-19. Ê kíp cấp cứu đồng thời kích hoạt “báo động đỏ”, mời hội chẩn khẩn với khoa Ngoại lồng ngực.
Các bác sĩ trực của khoa Ngoại lồng ngực nhanh chóng đến phòng Cấp cứu. Sau hội chẩn khẩn, các bác sĩ thống nhất mổ cấp cứu cho bệnh nhân tại phòng mổ của khoa Cấp cứu để có thể kịp thời cứu mạng bệnh nhân.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ của khoa Cấp cứu với chẩn đoán trước mổ là sốc mất máu do bị đâm vào tim.
Các bác sĩ khoa đã mở ngực, thám sát và phát hiện tim của bệnh nhân bị thủng một lỗ ở ngay mỏm tim, gây chảy máu khắp khoang màng tim, gây chèn ép tim và khiến bệnh nhân bị ngưng tim. Nhờ được mở ngực xử trí và giải áp kịp thời, nên sau đó tim của bệnh nhân đã đập lại và bệnh nhân được cứu sống trong gang tấc.
Ngoài ra, cơ hoành của bệnh nhân bị thủng, xuyên xuống ổ bụng cũng đã được xử lý khâu cơ hoành và khâu lại dạ dày cho bệnh nhân.
Bệnh nhân bị đâm vào tim sau mổ đã hồi phục rất tốt, không còn dùng vận mạch, không cần đặt dẫn lưu; siêu âm, kiểm tra đều cho kết quả bình thường. Chức năng gan, thận đã về giới hạn cho phép. Chức năng tim đã trở lại bình thường, không còn dịch màng tim và dịch màng phổi… Bệnh nhân sẽ được xuất viện vào hôm nay, 19.5.
Theo bác sĩ CK.1 Lưu Hoài Nam, khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy, với tình trạng của bệnh nhân lúc nhập viện, nếu xử trí không kịp thời, bệnh nhân có thể đã tử vong tại chỗ. Nhờ sự phản ứng kịp thời của các ê kíp cấp cứu, phẫu thuật - gây mê hồi sức và các chuyên khoa ngoại lồng ngực, ngoại tiêu hóa… các bác sĩ mới có thể thực hiện cuộc phẫu thuật một cách nhanh chóng như vậy. Trong trường hợp bệnh nhân bị đâm vào tim này, mọi sự chậm trễ, dù chỉ một phút thôi, cũng khiến các bác sĩ để mất bệnh nhân ngay trên bàn mổ.
Bình luận (0)