Cần tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác đối ngoại

Vũ Hân
Vũ Hân
14/08/2018 07:50 GMT+7

Sáng 13.8, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao VN: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12” đã khai mạc tại Hà Nội.

Hội nghị được đánh giá có quy mô và tầm vóc lớn nhất từ trước tới nay, với sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và hơn 700 đại biểu là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; các trưởng cơ quan đại diện VN tại nước ngoài...
Ngoại giao góp phần quan trọng nâng cao vị thế VN
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại. Từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011 - 2015. Mặc dù xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư, du lịch từ các đối tác chủ chốt năm sau vẫn tăng hơn năm trước; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 đạt 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% (cao nhất trong 10 năm qua); lượng khách du lịch quốc tế đến VN đạt mức kỷ lục 13 triệu lượt người; đã có tổng cộng 71 nước công nhận VN là nền kinh tế thị trường... Công tác đối ngoại tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của VN trên trường quốc tế. VN đã có quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào và Campuchia...
Công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm. VN đã chủ động đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền; công tác đối với người VN ở nước ngoài được thực hiện tốt; ngày càng nhiều người VN ở nước ngoài có đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc... “Những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại Đảng ta, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc”, Tổng bí thư nhận định.
8 gợi mở trong công tác đối ngoại
Thế và lực của quốc gia đã khác nhiều sau 30 năm đổi mới; các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của VN đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tuy nhiên, Tổng bí thư lưu ý môi trường đối ngoại trong những năm tới sẽ còn phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực; việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định do đó sẽ gặp nhiều thách thức.
Trong bối cảnh đó, Tổng bí thư gợi mở, nhấn mạnh thêm 8 điểm trong công tác đối ngoại của đất nước thời gian tới. Thứ nhất là cần tiếp tục đổi mới tư duy, bởi diễn biến chính trị trên thế giới có rất nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. “Thế và lực của quốc gia đã khác nhiều sau 30 năm đổi mới; các vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi của VN đòi hỏi chúng ta phải thể hiện tiếng nói mạnh mẽ hơn và lập trường đối ngoại tích cực hơn, trước hết ở trong khu vực”, Tổng bí thư lưu ý.
Thứ hai là cần tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc... “Mục tiêu bao trùm là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và các lợi ích chính đáng của ta theo luật pháp quốc tế. Trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thì một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt xử lý đúng đắn mọi vấn đề phức tạp trong đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ”.
Thứ ba là phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng, định hình các cơ chế đa phương. Bốn là nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế và hợp tác trên lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng với các nước. Năm là triển khai có hiệu quả chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Sáu là hết sức coi trọng, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược. Bảy là nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương, nhất là giữa ngoại giao với quốc phòng - an ninh. Tám là đặc biệt chú trọng công tác xây dựng ngành, sắp xếp tổ chức bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
Nhắc lại bài học Đảng đã rút ra trong công tác cán bộ, đó là "cán bộ là cái gốc của mọi công việc", Tổng bí thư lưu ý thế hệ cán bộ ngoại giao hôm nay được thừa hưởng những truyền thống, kinh nghiệm các thế hệ trước để lại; được tạo điều kiện về đào tạo và công tác... phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vướng vào tham nhũng, tiêu cực, kế tiếp được truyền thống đối ngoại quật cường nhưng hòa hiếu của dân tộc VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.