Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chính trị cường quyền đang quay trở lại mạnh hơn“

Vũ Hân
Vũ Hân
13/08/2018 15:31 GMT+7

Nhận định cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn,... Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý việc thực hiện nhiệm vụ giữ vững môi trường hoà bình, ổn định gặp nhiều thách thức.

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị ngoại giao 30 sáng 13.8, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận công tác đối ngoại đã đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì, củng cố môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.
Từ năm 2016 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn đạt cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2011 - 2015. Mặc dù xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư, du lịch từ các đối tác chủ chốt năm sau vẫn tăng hơn năm trước: tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2017 đạt 35,88 tỉ USD, tăng 44,4% (cao nhất trong 10 năm qua), các đối tác đã cam kết viện trợ hơn 3 tỉ USD ODA cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt mức kỷ lục 13 triệu lượt người; đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường... Hội nhập kinh tế tiếp tục tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế nước ta.
Công tác đối ngoại tiếp tục góp phần quan trọng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác ưu tiên, quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Đến nay, ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào và Campuchia...
Công tác bảo hộ công dân, ngư dân tiếp tục được quan tâm. Việt Nam đã chủ động, kiên quyết đấu tranh trong lĩnh vực dân chủ, nhân quyền; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện tốt; ngày càng có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc...
"Những kết quả nêu trên đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại Đảng ta, nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong các tình huống phức tạp, chúng ta đã "kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược", bám sát yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kết hợp với yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước", Tổng bí thư khẳng định.
Bên cạnh đó, Tổng bí thư cũng nhắc nhở “chúng ta tuyệt nhiên không tự mãn với kết quả đã đạt được, bởi vì trước mắt còn rất nhiều việc phải làm”.
Tổng bí thư lưu ý, môi trường đối ngoại trong những năm tới được nhận định sẽ còn phức tạp, khó lường. Các đối tác lớn của ta đang trong quá trình điều chỉnh chiến lược, bối cảnh thế giới thường xuyên biến động, môi trường chính trị, an ninh, kinh tế khu vực và thế giới đang trở nên bất ổn với các tác động nhanh, mạnh và bất ngờ hơn. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ quyết liệt, chính trị cường quyền quay trở lại mạnh hơn, nhất là trong khu vực. Việc thực hiện nhiệm vụ bao trùm là giữ vững môi trường hoà bình, ổn định do đó sẽ gặp nhiều thách thức.
Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biển sẽ đứng trước một số thách thức mới do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong khi đó, các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả; các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Tình hình trên thực địa tiếp tục phức tạp, nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi.
Kinh tế đối ngoại cũng được dự báo có thể sẽ gặp những thách thức mới. Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở các thị trường xuất khẩu lớn của ta. Chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang hiện hữu. Vai trò của các thể chế đa phương lớn như WTO, APEC đang bị đe doạ. Sự phát triển của khoa học, công nghệ cũng đang đặt ra những vấn đề mới đối với thương mại và đầu tư nước ngoài.
Công tác đối ngoại đa phương cũng sẽ gặp thách thức hơn với biểu hiện vai trò của các thể chế đa phương đang có xu hướng giảm đi trước lối hành xử chính trị cường quyền coi trọng song phương; trong khi đó, một số cơ chế đa phương mới lại có xu hướng phục vụ cạnh tranh nước lớn...
Tất cả những vấn đề trên được Tổng bí thư gợi mở để các đại biểu tham dự hội nghị thảo luận, tìm ra phương cách ứng phó trong tình hình mới.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam: chủ động, sáng tạo, hiệu quả, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” khai mạc sáng nay (13.8) tại Hà Nội có sự tham dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân... cùng hơn 700 đại biểu, bao gồm lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương; cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ; các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của Bộ Ngoại giao, được Tổng bí thư đánh giá là quy mô, tầm vóc chưa từng có từ trước đến nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.