Thế giới 2017: một năm nhìn lại

30/12/2017 14:05 GMT+7

Thế giới năm 2017 có nhiều chuyển biến quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Thanh Niên mời quý độc giả điểm lại những dấu ấn chính trong năm.

Biến động giới lãnh đạo
Năm 2017 chứng kiến những làn sóng chính trị mới xuất phát từ sự thay đổi giới lãnh đạo ở các quốc gia. Tháng 1, Nhà Trắng đổi chủ, Tổng thống Donald Trump chính thức nhậm chức và thực thi một loạt cam kết tranh cử của mình. Với chính sách “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump lần lượt rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và ký nhiều sắc lệnh gây tranh cãi như xây tường ở biên giới với Mexico, cấm nhập cư hay mới đây nhất là tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Có thể nói nhà lãnh đạo Mỹ đã tạo ra sự xáo trộn đáng kể, khiến các nước đồng minh và cả cộng đồng quốc tế đứng ngồi không yên.
Cũng trong năm 2017, Pháp có tổng thống trẻ nhất trong lịch sử với chiến thắng đầy bất ngờ của ông Emmanuel Macron. Ông tự nhận có quan điểm chính trị trung dung, không thuộc cánh tả, cũng chẳng thuộc cánh hữu và cũng chưa từng là thành viên của 2 đảng truyền thống là Xã hội và Những người Cộng hòa. Tiếp quản điện Élysée khi mới 40 tuổi, ông Macron được kỳ vọng sẽ giúp nước Pháp có nhiều biến chuyển tích cực. Tuy vậy, nửa năm cầm quyền của nhà lãnh đạo trẻ vẫn chưa tạo ra những cú hích thực sự lớn nào cho nước Pháp.
Năm 2017, tổng thống trẻ nhất nước Pháp Emmanuel Macron nhậm chức và lãnh đạo lớn tuổi nhất châu Phi Robert Mugabe từ chức Reuters
Tại châu Á, chính trường Hàn Quốc chao đảo sau vụ bê bối khiến nữ Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất. Hàn Quốc cần một nhà lãnh đạo mới có khả năng hàn gắn đất nước sau sự suy giảm niềm tin. Ngoài ra, tổng thống mới cũng phải có những đối sách phù hợp về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông Moon Jae-in đắc cử và nhậm chức tổng thống trong tình hình khó khăn đó.
Tại châu Phi, cuộc binh biến ở Zimbabwe đã khiến Tổng thống Robert Mugabe từ chức sau 37 năm cầm quyền. Đây là một thời khắc đặc biệt và bất ngờ đối với đất nước này vì trước đó chẳng ai nghĩ có thể thay đổi nhà lãnh đạo lớn tuổi cho đến khi ông qua đời. Chưa rõ chính quyền mới sẽ giúp Zimbabwe vượt qua khủng hoảng như thế nào.
Trong khi đó, ở đất nước giàu có Ả Rập Xê Út, cuộc đổi ngôi thái tử diễn ra đầy ly kỳ, kèm theo những thay đổi đáng kể. Kể từ khi được quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz cất nhắc, thái tử 32 tuổi Mohammed bin Salman đã thúc đẩy nhiều cải cách lớn như cho phép phụ nữ lái xe, tới sân vận động hay mở cửa rạp chiếu phim.
Bên cạnh đó, vị thái tử này còn được cho là đứng sau hàng loạt sự kiện rầm rộ của thế giới Ả Rập như quyết định can thiệp quân sự vào Yemen, cấm vận Qatar, hay tuyên bố từ chức đột ngột của Thủ tướng Li Băng Saad al-Hariri và gần đây nhất là việc bắt giam tỉ phú Sabih al-Masri - nhà tài trợ lớn của chính phủ Jordan, đồng thời là nhà đầu tư chính tại Palestine.
Những bất ổn mới
Cùng với sự thay đổi giới lãnh đạo trên chính trường là nhiều bất ổn mới trong năm 2017. Vùng Vịnh trải qua cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng, chưa lối ra khi một loạt quốc gia tuyên bố cắt đứt quan hệ và tham gia cấm vận Qatar. Bên cạnh đó những căng thẳng trong quan hệ Iran và Ả Rập Xê Út khiến giới quan sát lo ngại về khả năng xung đột, thậm chí đẩy an ninh vùng Vịnh tới “giới hạn đỏ”.
Căng thẳng leo thang ở Jerusalem Reuters
Quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà Tổng thống Mỹ đưa ra vào đầu tháng 12 lại làm điểm nóng này trở nên khó lường hơn bao giờ hết. Thế giới Ả Rập sục sôi, bờ Tây và Dải Gaza liên tục xảy ra đụng độ, còn các nước lo ngại xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Năm 2017 cũng chứng kiến bất ổn ngày càng lớn tại bán đảo Triều Tiên. CHDCND Triều Tiên liên tục phóng tên lửa, thử hạt nhân với những tiến bộ đáng kể Mỹ cũng phải thừa nhận. Các chuyên gia tin rằng Triều Tiên đã sở hữu loại tên lửa có khả năng đặt Mỹ vào tầm ngắm, còn Mỹ thì chuẩn bị mọi lựa chọn cho vấn đề Triều Tiên. Cuộc khẩu chiến không ngừng giữa hai bên làm thế giới lo ngại, thậm chí có thông tin Trung Quốc, nước láng giềng và đồng minh của Triều Tiên đã bắt đầu chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra.
Mặc dù không ồn ào như năm 2016, nhưng Biển Đông năm 2017 lại tiềm ẩn những bất ổn mới khi Trung Quốc đẩy mạnh việc xây dựng phi pháp và công khai thừa nhận mục đích quân sự hóa của mình.
IS bị đẩy lùi, vẫn còn bóng ma khủng bố
Sau 3 năm với sự giúp sức của nhiều lực lượng, Iraq và Syria đã giành những thắng lợi to lớn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lực lượng khủng bố này lần lượt bị đánh bại ở các thành trì quan trọng nhất. Tại châu Á, chân rết ở miền nam Philippines hoành hành gây nhiều lo ngại cũng đã bị dẹp tan.
Vụ khủng bố kinh hoàng ở Manchester khiến 22 người thiệt mạng Reuters
Về cơ bản, IS không còn là mối đe dọa quy mô lớn, nhưng vẫn len lỏi với các cuộc tấn công kiểu sói đơn độc ở nhiều nơi. Năm 2017, thế giới vẫn đau lòng chứng kiến những vụ khủng bố đẫm máu như đánh bom ở Manchester, Anh làm 22 người thiệt mạng và 120 người bị thương hồi tháng 5 hay vụ lao xe bán tải khiến ít nhất 8 người chết và 12 người bị thương tại khu Manhattan, New York, Mỹ hồi cuối tháng 10…
Mẹ thiên nhiên nổi giận
Trong năm 2017, thế giới cũng chứng kiến sự dữ dội của bà mẹ thiên nhiên. Thiên tai, lũ lụt, cháy rừng, động đất hoành hành khắp nơi, từ châu Á, châu Âu cho đến châu Mỹ. Đến nay, nhiều người vẫn sống trong cảnh mất nhà cửa vì thiên tai.
Người dân Mỹ gồng mình chống bão Harvey Reuters
CNBC trích số liệu báo cáo của hãng bảo hiểm Thụy Sĩ Swiss Re cho biết, thiên tai xảy ra năm 2017 đã gây tổn thất ước tính khoảng 306 tỉ USD cho kinh tế và ngành bảo hiểm toàn cầu, tăng 63% so với năm ngoái. Trong đó Mỹ là nước bị thiệt hại lớn nhất do các đợt cháy rừng ở California và sự tàn phá từ các siêu bão Harvey, Irma và Maria.
Kinh tế thế giới khởi sắc
Trái ngược với tình hình địa-chính trị thế giới, bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2017 được đánh giá khá tích cực. Đầu tàu kinh tế thế giới là Mỹ ghi nhận những con số lạc quan như tăng trưởng GDP quý cuối năm ở mức trên 3%, tỷ lệ thất nghiệp giảm. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng vượt mục tiêu 6,5% mà chính phủ đặt ra.
Ngoài ra, các khu vực kinh tế lớn khác như EU và ASEAN đều được dự báo mức tăng trưởng GDP cao hơn năm trước.
Tác động của công nghệ
Năm 2017, thế giới cũng chứng kiến những bước tiến lớn về mặt công nghệ, trong đó có sự lên ngôi của trí thông minh nhân tạo (AI) và kinh tế chia sẻ. AI nở rộ và bắt đầu được ứng dụng rộng rãi trong các trợ lý ảo (Alexa, Google Assistant), phần mền chatbot Messenger của Facebook, tính năng trả lời tự động của Gmail, hệ thống nhận diện khuôn mặt hay robot đánh bại con người trong các trò chơi điện tử.
AI cũng len lỏi trong các ứng dụng y học như dự đoán bệnh lý. AI còn tạo ra sản phẩm có khả năng trò chuyện tâm sự với con người. Các hãng công nghệ đều điều chỉnh để đáp ứng các ứng dụng liên quan đến AI.
Bitcoin gây sốt trong năm 2017 Reuters
Cũng trong năm 2017, thế giới liên tục nhắc đến tiền ảo bitcoin, một loại tiền tệ mã hóa và hệ thống thanh toán kỹ thuật số toàn cầu. Dù được sáng tạo từ năm 2009, nhưng năm 2017 mới là năm của bitcoin. Người dùng thế giới đã đổ xô tìm hiểu và mua bitcoin. Nếu như ở thời điểm đầu năm, một bitcoin chỉ có giá chưa đầy 1.000 USD thì đến cuối năm đã tăng hàng ngàn phần trăm, hồi giữa tháng 12 ghi nhận mức giá lên đến hơn 19.700 USD.
Cùng với sự phổ biến của tiền ảo, tin tặc mũ đen năm 2017 đã mở đợt tấn công mạng ảnh hưởng tới hơn 150 quốc gia trên thế giới. Với một loại mã độc có tên gọi WannaCry, tin tặc đòi nạn nhân trả tiền chuộc bằng bitcoin. Đây được xem là vụ tấn công mạng lớn nhất toàn cầu từ trước đến nay. Mối đe dọa từ tấn công mạng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.