Rời châu Á, Tổng thống Trump để lại dấu ấn ‘ưu tiên Mỹ’

16/11/2017 11:19 GMT+7

Dù có thể không đồng thuận với chính sách ưu tiên thỏa thuận song phương, các quốc gia vẫn hoan nghênh chuyến thăm của Tổng thống Trump, vì cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các cam kết đối với châu Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa kết thúc chuyến công du châu Á sau khi rời khỏi Philippines ngày 14.11, với thông điệp “Nước Mỹ trên hết” cùng hàng loạt thỏa thuận song phương trị giá hàng trăm tỉ USD.
Đáng chú ý, chuyến thăm có vẻ đã giúp chính quyền Mỹ hoà giải với một số nhà lãnh đạo trong khu vực từng có thời điểm "cơm không lành canh không ngọt" trước đây.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Philippines, Tổng thống Trump đã lên tiếng ca ngợi “mối quan hệ tuyệt vời” với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trong khi đó, ông Duterte hồi năm ngoái luôn lên án ông Barack Obama, khi đó là tổng thống đương nhiệm, với ngôn từ mạnh mẽ nhất. Chính quyền thời Tổng thống Obama liên tục chỉ trích chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông Duterte, theo Reuters.
Tổng thống Trump cũng tỏ lời khen ngợi Thủ tướng Hun Sen của Campuchia khi hai người bắt tay tại Hội nghị cấp cao ASEAN. Đáp lại, Thủ tướng Hun Sen, từng chỉ trích Mỹ có chính sách hai mặt trong vấn đề nhân quyền và can dự vào vấn đề nội bộ Campuchia, cho biết ông có cùng quan điểm với Tổng thống Mỹ về việc đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu.
“Ngài là người đàn ông vĩ đại đối với tôi”, ông Hun Sen nhắc đến Tổng thống Trump trong bài phát biểu trước các lãnh đạo ASEAN, đồng thời đề cao chính sách “Nước Mỹ trên hết”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (giữa) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) tại Philippines Ảnh chụp màn hình CNN
Bên cạnh đó, khác với những người tiền nhiệm đặt trọng tâm về hiệp định, hợp tác đa phương, nhân quyền và dân chủ trong các chuyến công du, Tổng thống Trump lại ưu tiên thỏa thuận song phương.
Dù vẫn kêu gọi hợp tác nhằm tăng cường sức ép lên chương trình hạt nhân của Triều Tiên, tại Hội nghị lãnh đạo cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng, Tổng thống Trump lại nhấn mạnh đến thâm hụt thương mại giữa châu Á và Mỹ, vốn là trọng tâm trong chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà theo ông là nhằm bảo vệ người lao động Mỹ.
Với định hướng chính sách này, chính quyền Tổng thống Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hệ quả là 11 quốc gia thành viên còn lại vẫn còn nhiều việc cần làm để đạt được một thỏa thuận mới về TPP mà không có Mỹ, dù đã đạt được những "nguyên tắc cốt lõi" tại hội nghị cấp cao APEC.
Reuters dẫn lời quan chức cấp cao giấu tên của một quốc gia thành viên ASEAN tiết lộ các nước trong khu vực “không mặn mà” với chính sách tập trung thỏa thuận song phương của Tổng thống Trump. “Thủ tướng Singapore từng chỉ ra rằng thỏa thuận thương mại song phương hấp dẫn đối với Mỹ hơn các nước khác bởi vì Mỹ có thể lấn áp bất kỳ quốc gia nào tham gia ký kết”, vị quan chức này cho biết thêm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ báo giới trong cabin chuyên cơ Air Force One chuẩn bị cất cánh rời khỏi Philippines vào ngày 14.11 Reuters
Trong buổi họp báo trước khi lên chuyên cơ Air Force One rời khỏi Philippines, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ đã đạt được nhiều thỏa thuận song phương “ít nhất 300 tỉ USD, có thể cao gấp 3 con số này”. Giới chuyên gia nhận định những thỏa thuận này giúp Tổng thống Trump giữ được lời hứa đưa trong suốt chiến dịch tranh cử là cắt giảm thâm hụt thương mại giữa lúc đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ.
Chuyên gia Shahriman Lockman thuộc Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Malaysia, nhận định một số quốc gia trong khu vực có thể không đồng thuận với chính sách ưu tiên thỏa thuận song phương, nhưng vẫn hoan nghênh Tổng thống Trump bởi vì sự hiện diện của ông giúp khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục duy trì các cam kết đối với châu Á.
Ngoài những tuyên bố mạnh mẽ nhấn mạnh “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Trump liên tục cập nhật thông tin chi tiết, hình ảnh trong suốt chuyến công du của ông cùng các bình luận về CHDCND Triều Tiên trên mạng xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.