Căng thẳng đối thoại về dự án Thủ Thiêm

11/06/2016 06:05 GMT+7

Thay vì chỉ trong buổi sáng như dự kiến, cuộc đối thoại giữa những người dân khiếu kiện kéo dài khi bị thu hồi đất ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm với chính quyền TP.HCM chiếm trọn cả ngày hôm qua (10.6).

Mở đầu buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết lãnh đạo TP cùng lãnh đạo các cơ quan T.Ư mong muốn được trực tiếp lắng nghe trên tinh thần cầu thị các phản ánh, những vấn đề còn bức xúc, chưa đồng thuận của người dân về việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người dân sau cuộc đối thoại Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người dân sau cuộc đối thoại. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Diện tích dự án là 500 ha hay 650 ha?
Đại diện cho 63 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, ông Phạm Thế Vinh ở P.Bình Khánh (Q.2) cho hay vụ việc kéo dài 20 năm và bức xúc của người dân tập trung vào vấn đề quy hoạch, thu hồi đất và giá bồi thường không hợp lý. Thu thập rất nhiều tư liệu, chứng cứ để trao cho người chủ trì cuộc đối thoại, ông Vinh muốn chứng minh nhà đất của ông và các hộ dân không nằm trong quy hoạch của dự án. Theo ông Vinh, khi lập quy hoạch 1/5.000 bản đồ hành chính Q.2 thì đô thị mới Thủ Thiêm chỉ nằm trong 3 phường và các khu dân cư đông đúc thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh không nằm trong dự án.
Đại diện các hộ dân, luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư Hà Nội) chất vấn Sở QH-KT: “Người dân đề nghị Giám đốc Sở QH-KT lý giải vì sao tờ bản đồ kèm theo Quyết định 785 (phê duyệt dự án khu đô thị Thủ Thiêm của UBND TP.HCM - PV) ban hành năm 1995 xác định khu dân cư thuộc 5 khu phố của 3 phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh mà người dân đi khiếu kiện nằm ngoài khu quy hoạch”.
Cũng đề nghị chiếu bản đồ kèm Quyết định 785 tại buổi đối thoại, Phó giám đốc Sở QH-KT Trương Trung Kiên cho rằng diện tích dự án là hơn 650 ha như hiện tại, chứ không phải 500 ha như bản đồ mà người dân cung cấp. Cho nên, người dân không thể căn cứ vào bản đồ đó để nói nhà đất của mình nằm ngoài dự án.
Không đồng ý, ông Vinh cho rằng theo quy định, khi lập dự án bắt buộc phải có phần chú giải. Theo đó, tại phần chú giải mà bản đồ kèm theo Quyết định 785 đã thể hiện rất rõ 5 khu phố mà ông nêu là khu dân cư. Ông Vinh đặt vấn đề nếu nằm trong quy hoạch thì tại sao Quyết định 255 của UBND TP (phê duyệt quy hoạch điều chỉnh các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Q.2 - PV) cho phép người dân được quyền mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. “Trong khi theo quy định của Chính phủ thì dự án dính quy hoạch không thể mua bán nhà”, ông Vinh khẳng định.
Ông Phạm Thế Vinh (hộ dân bị ảnh hưởng ở P.Bình Khánh) tranh luận tại cuộc đối thoại
Ông Phạm Thế Vinh (hộ dân bị ảnh hưởng ở P.Bình Khánh) tranh luận tại cuộc đối thoại

Lý giải về điều này, Phó chủ tịch UBND Q.2 Huỳnh Thanh Khiết cho biết qua rà soát thì thấy phần lớn trường hợp mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61 rơi vào năm 2000 - 2002 và được Hội đồng bán nhà của quận xét trước khi UBND TP quyết định thu hồi đất của dự án (tháng 9.2002), chỉ có 6 trường hợp sau khi có quyết định thu hồi đất. Việc Hội đồng bán nhà Q.2 xét bán nhà là tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống. Ông Khiết cho hay sự sai lệch về diện tích là do dùng các biện pháp đo đạc khác nhau chứ không làm thay đổi bản chất diện tích khu đô thị.
Chưa có cơ sở kết luận lợi ích nhóm
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng việc cơ quan chức năng không gửi thông báo về quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm cho 3 phường Bình An, An Bình, An Khánh là một sai sót nghiêm trọng. Bởi điều đó sẽ khiến người dân ở 3 phường này nghĩ không dính quy hoạch và người dân cũng không được tham vấn khi dự án triển khai. Ông Hải đề nghị Sở TN-MT phải giải thích tại sao lại có sự chênh lệch giữa bản đồ và văn bản trình lên. “Rất nhiều bản đồ mà người dân cho rằng bậy bạ do một công ty làm ra là Công ty đầu tư phát triển Thủ Thiêm, là nguyên nhân xảy ra những lộn xộn như vừa qua. Đúng ra hôm nay phải có đại diện công ty đến để giải thích tại sao văn bản nói một đằng, bản đồ làm một nẻo. Có sự bậy bạ từ văn bản như người dân nói là hồ sơ đen, đề nghị Sở TN-MT giải thích?”, ông Hải nói.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Văn Hồng cho biết thời điểm thu hồi, Sở đề nghị thu hồi trước mắt là 651 ha, cho nên bản đồ này có thể khi thể hiện là dự thảo, nhưng khi ra quyết định là chính thức. Ông Hồng cũng khẳng định các bản đồ của cơ quan chức năng làm căn cứ để thu hồi đất đã được nguyên Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt ký và ông Kiệt cũng xác nhận đó là chữ ký của ông. Các bản đồ này cũng được cơ quan công an giám định và xác định là bản đồ thật.
Vừa nghe xong, luật sư Hải đề nghị Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong có ý kiến. Ông Hải nói: “Phải chăng đây là lợi ích nhóm? Văn bản anh trình lên đã được thừa nhận rồi, bây giờ lại trình lên bảo phải bổ sung cái này, cái kia dựa vào bản đồ. Ở đây có lợi ích nhóm từ Công ty đầu tư phát triển Thủ Thiêm tự ý vẽ bản đồ, đã làm sai lệch rất nhiều”.
Chủ tịch UBND TP "chỉnh" ngay: "Anh là luật sư đại diện cho các hộ dân, anh chưa có cơ sở thì không thể quy kết dự án có lợi ích nhóm. Về mặt quản lý nhà nước chúng tôi sẽ rà soát và kiểm tra xử lý". Ông Phong cũng cho rằng Phó giám đốc Sở TN-MT có thể chưa nắm đầy đủ vấn đề chứ ở đây chưa có cơ sở để kết luận “lợi ích nhóm”.
Sẽ kết luận trả lời từng vấn đề dân kiến nghị
Trong phần kết luận của mình, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư (Thanh tra Chính phủ), nói “rất áy náy vì để vụ việc kéo dài, nhiều người dân chưa đồng tình”. Tuy nhiên, theo ông Điệp, đây là một vấn đề phức tạp, có nhiều yếu tố lịch sử nên không thể giải quyết một sớm một chiều là xong. Hiện thẩm quyền giải quyết vụ việc vẫn đang ở UBND TP.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết đến nay, dự án đã di dời được 14.390 hộ dân, đạt 90%; thu hồi được trên 113 ha đất trong dân, đạt 99%. Ông Phong ghi nhận sự đóng góp và ủng hộ của người dân để dự án được thực hiện, góp phần xây dựng TP phát triển. Theo ông Phong, bản đồ quy hoạch kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP đã có tờ trình kèm hồ sơ trình Chính phủ và Bộ Xây dựng xem xét. UBND TP cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và Trung tâm lưu trữ quốc gia 3 nhờ trích lục bản đồ. Tuy nhiên, 2 nơi này trả lời là hồ sơ kèm theo Quyết định 367 không có bản đồ. UBND TP.HCM đã gửi văn bản lên Bộ Xây dựng, là đơn vị thẩm định hồ sơ trình Chính phủ rà soát, trích lục bản đồ.
Bà Lê Thị The (hộ dân bị ảnh hưởng ở P.Bình An) phát biểu Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bà Lê Thị The (hộ dân bị ảnh hưởng ở P.Bình An) phát biểu. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ông Phong chỉ đạo giao Chánh thanh tra TP chủ trì phối hợp với Sở QH-KT và các đơn vị liên quan, tiếp tục tiếp xúc với người dân, làm rõ vấn đề này và báo cáo UBND TP. Vấn đề thu hồi đất, ông Phong giao Sở QH-KT và Sở TN-MT rà soát, xác định ranh giới đất, báo cáo để làm cơ sở đền bù, giải phóng mặt bằng. Giao UBND Q.2 tiếp tục rà soát, làm việc với những hộ chưa đồng ý để trình TP có hướng giải quyết. “UBND TP ghi nhận hết các ý kiến của bà con và sẽ kiểm tra, sẽ có kết luận trả lời từng vấn đề bà con kiến nghị”, ông Phong khẳng định.
Đã đối thoại nhiều lần
Khu đô thị mới Thủ Thiêm tọa lạc bên bờ đông sông Sài Gòn, tổng diện tích 657 ha. Theo quy hoạch 1/2.000 được duyệt mà cơ quan chức năng công bố, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm thuộc các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường Bình An, Bình Khánh.
Bí thư Quận ủy Q.2 Nguyễn Văn Hiếu cho biết trước cuộc đối thoại của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã có 2 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP với người dân. Còn lãnh đạo quận thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ người dân để giải thích về dự án. Do liên quan đến vấn đề pháp lý nên một số trường hợp cũng đã nộp đơn lên tòa để khởi kiện chính quyền. Theo ông Hiếu, với một dự án có quy mô lớn như khu đô thị mới Thủ Thiêm thì khúc mắc giữa người dân với chính quyền là điều dễ hiểu. Lãnh đạo TP và Q.2 luôn sẵn sàng tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với người dân để có hướng giải quyết phù hợp, hỗ trợ người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.