Cắt tầng 7 công trình sai phép ở trung tâm TP.HCM

05/04/2021 06:09 GMT+7

Các công trình sai phép ở TP.HCM khi quy hoạch được duyệt chỉ cho xây dựng nhà ở cao 6 - 7 tầng nhưng chủ đầu tư đều xây vượt tầng rồi chuyển đổi công năng thành khách sạn, quán karaoke, massage.

Ngày 4.4, nhóm công nhân vẫn tiếp tục đục, cắt từng mảng bê tông tại tầng 8 căn nhà ở địa chỉ số 433/11 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10 (TP.HCM) vì xây dựng vượt tầng. Công tác cưỡng chế phần vi phạm của công trình này được UBND Q.10 thực hiện từ ngày 25.3, sau nhiều lần vận động, thuyết phục chủ đầu tư tự tháo dỡ nhưng không thành. Bà Nguyễn Thị Thu Nga, Phó chủ tịch UBND Q.10, cho biết giấy phép xây dựng chỉ cấp phép tối đa 6 tầng rưỡi nhưng chủ đầu tư xây tới 9 tầng, diện tích vi phạm hơn 400 m2. Q.10 đang tập trung các phương tiện, nhân lực để phá dỡ, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 4.2021.

Sai phạm có hệ thống

Theo tài liệu UBND Q.10 cung cấp, ngoài công trình đang bị cưỡng chế trên, ở địa bàn P.12 (Q.10) còn 6 công trình khác có vi phạm như xây vượt tầng, lấp ô thông tầng, nới rộng sân thượng... tại các địa chỉ: 740/15A+17 và 766/12 Sư Vạn Hạnh, 252/43 và 252/45 Cao Thắng, 839/10 Lê Hồng Phong, 42/2 Trần Thiện Chánh. Các công trình này được xây dựng trong giai đoạn 2018 - 2019, sau đó chuyển đổi công năng thành khách sạn, quán karaoke, kinh doanh dịch vụ massage. Đáng chú ý, các công trình vi phạm có tính hệ thống do ông Vũ Văn Quang (ngụ Q.10) và người thân, họ hàng với nhau làm chủ đầu tư.

Kỷ luật 5 cán bộ thiếu trách nhiệm

Để xảy ra vi phạm xây dựng của 7 công trình ở P.12, Q.10, Phó chủ tịch UBND Q.10 Nguyễn Thị Thu Nga cho biết có trách nhiệm của UBND P.12 và Đội thanh tra địa bàn Q.10 (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng) trong công tác quản lý địa bàn chưa chặt chẽ. Do đó, trong năm 2020, Q.10 đã kỷ luật 3 cán bộ, Thanh tra Sở Xây dựng kỷ luật 2 cán bộ với hình thức cao nhất là cảnh cáo, trong đó có cả lãnh đạo phường và Đội thanh tra địa bàn Q.10. Bà Nga cho biết các lãnh đạo P.12 và Đội thanh tra địa bàn Q.10 đều chấp nhận hình thức kỷ luật, sau đó điều chuyển công tác.
Theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, đây đều là những công trình có chiều cao “vượt trội” so với những căn nhà bên cạnh. Có thể kể đến khách sạn Sơn Mi (839/10 Lê Hồng Phong) cao 9 tầng, khách sạn Tường Vi (740/15A+17 Sư Vạn Hạnh) cao 9 tầng, hay khách sạn Cường Thanh III (252/43 và 252/45 Cao Thắng) cao 8 tầng, trong khi những căn nhà bên cạnh chỉ chừng 4 - 6 tầng.
Tương tự, khách sạn Ken 2 ở địa chỉ 766/12 Sư Vạn Hạnh cao chót vót 9 tầng, trên sân thượng có hạng mục đang được quây tôn bên ngoài. Công trình này nằm phía đối diện khu biệt thự, nhiều người dân phản ánh về việc vi phạm xây dựng của chủ đầu tư và đề nghị chính quyền địa phương mạnh tay xử lý.
Theo UBND Q.10, tại thời điểm kiểm tra, diện tích vi phạm của các công trình trên từ 400 - 600 m2, thậm chí có công trình vi phạm đến 900 m2. “Quận đã giải thích, trả lời nhiều lần rằng theo quy hoạch đã được duyệt thì tối đa ở khu vực này chỉ xây dựng 6 - 7 tầng tùy theo chức năng. Các công trình xây vượt tầng đó ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị, làm mất trật tự xây dựng trên địa bàn”, bà Nga nói.
Trả lời câu hỏi các công trình vi phạm được phát hiện từ năm 2018 - 2019 nhưng đến nay mới cưỡng chế, bà Nga cho biết sau khi Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm, chủ đầu tư xin điều chỉnh giấy phép xây dựng, ngưng thi công một thời gian rồi tự ý thi công lại. Đến nay, các hồ sơ xin điều chỉnh tăng số tầng đều không được Sở Xây dựng chấp thuận. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư có mối quan hệ, lợi dụng danh nghĩa thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật VN (VAIDE), người khuyết tật nên quận phải làm thận trọng, tiếp xúc từng bước, vận động tuyên truyền rồi mới cưỡng chế.

Q.10 khẳng định sẽ cưỡng chế các công trình tại 766/12 và 740/15A+17 Sư Vạn Hạnh vi phạm xây vượt tầng

Vi phạm rồi xin tồn tại

Ông Đặng Hoàng Phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị Q.10, cho biết các công trình vi phạm đều liên quan đến ông Vũ Văn Quang (ngụ Q.10) và người thân, một số người là thành viên VAIDE nên quận đã đề nghị tự giác tháo dỡ để giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, khi quận vận động, tiếp xúc thì các chủ đầu tư tỏ thái độ bất hợp tác, né tránh... Sau đó, chủ đầu tư và VAIDE đã gửi đơn đến nhiều cơ quan ở T.Ư và địa phương nhằm tác động quận xin tạm hoãn cưỡng chế, cho tồn tại và điều chỉnh giấy phép để hợp thức hóa, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
“Để đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, quận đã thực hiện các bước vận động, tuyên truyền tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không chấp hành, cố tình né tránh, buộc quận phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Sở Xây dựng đã phê duyệt phương án cưỡng chế đối với 4 công trình, 2 công trình còn lại đang được Q.10 hoàn thiện hồ sơ”, ông Phương nói và cho biết ngày 8.4 sẽ tổ chức cưỡng chế hạng mục vi phạm của công trình 766/12 Sư Vạn Hạnh. Các công trình còn lại sẽ được thực hiện trong tháng 5 và tháng 6.2021.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc có gặp áp lực nào khi tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm này, bà Nga nói: “Hiện chưa gặp áp lực nào. Chủ đầu tư họ nói quen người này, người nọ là chuyện của họ. Quận đã báo cáo lên UBND TP.HCM về tình hình xử lý các công trình vi phạm. Lãnh đạo TP.HCM ủng hộ việc cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật để lập lại trật tự xây dựng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.