Như Thanh Niên đã thông tin, trên đường Nguyễn Tất Thành (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang) có 7 công trình nhà xưởng xây dựng không phép, chuyên phục vụ bán hàng cho khách Trung Quốc. Cơ quan chức năng đã buộc tháo dỡ từ hơn một năm qua nhưng đến nay chỉ 1 công trình chấp hành, 6 công trình khác với diện tích hàng ngàn mét vuông vẫn tồn tại. Để có kinh phí cưỡng chế, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định bổ sung cho UBND TP.Nha Trang hơn 9,6 tỉ đồng.
Chuyện không tưởng !
Nhiều bạn đọc (BĐ) đã “không thể tin”, “thấy có gì đó sai sai” khi đọc những thông tin này. Chưa hết, thông tin còn cho biết cơ quan chức năng ở Nha Trang đang nghiên cứu quy định pháp luật để có thể kê biên tài sản trên các thửa đất đã xây dựng công trình trái phép, nhằm đảm bảo thu hồi kinh phí cưỡng chế trong trường hợp người vi phạm không chi trả kinh phí thực hiện cưỡng chế. Thế nhưng, các tài khoản của chủ công trình vi phạm tuy đã bị niêm phong nhưng đa số đều “0 đồng”.
BĐ Dương Văn Tuấn cũng không khỏi bức xúc: “Chuyện không tưởng! Xây dựng trái phép và bị cưỡng chế, nhưng lại cưỡng chế bằng… tiền ngân sách. Công trình của ai? Đất ai cho thuê? Không lẽ họ cho thuê không thu tiền? Cứ yêu cầu chủ đất thanh toán vì công trình trên đất của mình. Một công trình uy nghi hoành tráng như thế mà chính quyền cơ sở không hay, không biết có phép hay không thì quá là lạ…”.
Làm rõ nhân thân chủ các công trình không phép
Nhiều BĐ cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan trong vụ việc. “Cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, mà trực tiếp là những cán bộ quản lý ở các cấp, bước đầu đã khiến ngân sách phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thực hiện cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm. Quan trọng hơn là niềm tin của dân vào công việc của các cơ quan quản lý”, BĐ Chu Minh Tuyển viết.
Bình luận (0)