Như Thanh Niên thông tin, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND P.3 (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết 16 ki ốt không phép có diện tích xây dựng 576 m2 do Công ty CP dịch vụ du lịch Đà Lạt (Công ty du lịch Đà Lạt) xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2013.
Cũng theo ông Hòa, thời điểm đó tại bãi đậu xe của Khu du lịch (KDL) thác Prenn hình thành khu chợ tự phát bán hàng lưu niệm, rau củ quả, đặc sản Đà Lạt trông nhếch nhác, mất mỹ quan... Do đó, Công ty du lịch Đà Lạt đã xây dựng dãy ki ốt trên "để đưa các hộ vào buôn bán nhằm tạo bộ mặt khang trang tại bãi xe trước cổng KDL".
Tuy nhiên, sau nhiều lần kiểm tra, xem xét, ngày 24.9.2018, UBND TP.Đà Lạt đã có Quyết định số 3827/QĐ-KPHQ buộc chủ đầu tư tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không phép này. Công ty du lịch Đà Lạt đã thanh lý hợp đồng thuê quầy với các hộ buôn bán từ tháng 6.2018 và nhiều lần ra thông báo gửi đến các hộ việc tháo dỡ các ki ốt tại bãi xe KDL thác Prenn. Mặc dù vậy, các hộ tiểu thương thuê ki ốt và người dân kinh doanh tại đây không chấp nhận tháo dỡ, không đồng ý trả lại mặt bằng.
Đến ngày 7.1.2021, ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, tiếp tục ký văn bản về việc hỗ trợ tháo dỡ, buộc thực hiện khắc phục hậu quả đối với công trình của Công ty du lịch Đà Lạt trước ngày 4.2.2021. Ngày 19.2.2021, ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, tiếp tục ký Văn bản số 985/UBND-QLĐT chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, UBND P.3, Công ty du lịch Đà Lạt phối hợp thực hiện khắc phục hậu quả tình trạng nêu trên trước ngày 10.3.2021.
Trường hợp Công ty du lịch Đà Lạt không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để việc tháo dỡ thì lập hồ sơ trình UBND TP.Đà Lạt xem xét, ban hành quyết định cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 15.3.2021. Tuy nhiên đến ngày 29.3.2021, dãy ki ốt xây dựng không phép vẫn tồn tại.
Chẳng lẽ bất lực, chào thua?
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự bức xúc vì công trình vi phạm trật tự xây dựng có quyết định buộc tháo dỡ từ tháng 9.2018 nhưng đến nay vẫn tồn tại. Nhiều ý kiến đặt vấn đề do chính quyền bất lực hay là có “chống lưng”? “Chính quyền địa phương chẳng lẽ bất lực, chào thua!”, BĐ Quang Đức thắc mắc. Tương tự, BĐ Wikilives đặt vấn đề: "Chính quyền bất lực hay là có chống lưng?". Cùng quan điểm, BĐ Ngoc Vy ý kiến: "Vụ này "lờn" thuốc hay có sự chống lưng của ai đó?".
"Việc không tuân thủ pháp luật về xây dựng mà vẫn tồn tại gần 10 năm thì chứng tỏ chính quyền địa phương quản lý quá lỏng lẻo hoặc bao che...", BĐ Ba Van ý kiến.
"Quyền lực trong tay mà thua những kẻ bất chấp luật pháp thì thật khó nghe. Hay các ki ốt này được bóng đa, bóng đề nào đó chống lưng nên không dám đụng?", BĐ Văn Tuấn nghi ngờ.
Phải kiên quyết cưỡng chế
Với những vi phạm như vậy, BĐ đề nghị phải cương quyết cưỡng chế dẹp bỏ, lập lại trật tự kỷ cương. “Kiên quyết cưỡng chế, đập bỏ, tháo dỡ những ki ốt không có giấy phép xây dựng này. Kiên quyết không thỏa hiệp, không nương tay, không được phạt rồi cho tồn tại. Phải mạnh tay lập lại trật tự kỷ cương”, BĐ Hùng Cường thẳng thắn.
“Chính quyền ở đâu mà để những người vi phạm luật pháp ngang nhiên xây 16 ki ốt không phép tồn tại nhiều năm cho đến nay. Nên xem lại năng lực của những người lãnh đạo ở đây. Nếu thấy không làm được thì xin về nghỉ cho người khác lên thay để lập lại kỷ cương pháp luật", BĐ Thái góp ý.
Cũng quan điểm, BĐ Thái Hùng cho rằng: "Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề này không nhỏ khi để 16 ki ốt không phép tồn tại gần cả chục năm trời".
Kiên quyết xử lý để giữ nghiêm pháp luật, làm gương cho những ai coi thường luật pháp và cơ quan công quyền...
Thiên Trúc
Với các công trình xây dựng không phép phải "trị" bằng cách kiên quyết tháo dỡ, không cho tồn tại dù bất kỳ lý do gì. Còn những người có trách nhiệm liên quan thì phải xử lý kỷ luật.
Phúc Hiền
|
Bình luận (0)