Câu chuyện 11 cô gái sông Hương anh hùng

30/07/2017 05:00 GMT+7

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương (Huế) đã trở thành một biểu tượng của sức mạnh quật khởi, kiên cường.

Mỗi người một hoàn cảnh, phận khuê nữ nhưng họ đã cầm súng kiên cường chiến đấu.
“Nếu chết, mi nói giùm mạ tau đi Bắc nghe”
Chúng tôi tìm đến nhà bà Hoàng Thị Nở - 1 trong 5 “cô gái sông Hương” còn sống hiện ở kiệt 131, đường Bà Triệu, P.Phú Hội, TP.Huế cũng là lúc bà Nở vừa đi bộ thể dục buổi sáng về. Bà Nở cười nói rằng chỉ có thể dục đều đặn mới cải thiện sức khỏe, do vết thương trúng đạn ở mang tai trái hành hạ. Gần đây bà phải trải qua hai đợt phẫu thuật bướu cổ ảnh hưởng lớn đến thanh giọng nên nói không còn rõ tiếng. Ngày nào bà Nở cũng phải dùng thuốc, trí nhớ đã giảm đi rất nhiều ở tuổi 68, nhưng chuyện về tiểu đội anh hùng của bà thì khó mà lẫn lộn.
Một số thành viên trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương năm 1968
Khi cuộc chiến nổ ra khốc liệt, chị em đều động viên nhau cầm súng cho đến hơi thở cuối cùng. Mọi người còn nhớ chị Hoa dặn đồng đội, nếu chị chết, khi gặp mạ chị thì nói chị đi Bắc để mạ khỏi đau lòng. Không ngờ sau đó...
Hoàng Thị Nở
Bà Nở kể, năm 1967 tiểu đội với 11 cô thôn nữ tuổi đời không quá 20, phần lớn sống cùng làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế, được thành lập để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968. Tiểu đội trưởng là Phạm Thị Liên - nữ anh hùng hy sinh năm 1972 và tên được đặt cho một con đường ở P.Kim Long, được phong Anh hùng LLVT nhân dân năm 1994.
Do thông thuộc địa bàn, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương ban đầu được giao làm giao liên, dẫn đường cho bộ đội, tất cả đều “bí mật tuyệt đối”, bí mật khi gia nhập lẫn bí mật hoạt động. Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, tiểu đội góp phần làm nên chiến tích giữ vững, làm chủ trận địa vùng phía nam TP.Huế trong 26 ngày đêm. Tuy nhiên việc cầm súng với 11 cô gái thật sự chỉ xảy ra trong 13 ngày. Đó là lúc địch phản công chiếm trận địa. “Dù được huấn luyện cầm súng, sử dụng vũ khí nhưng 13 ngày đầu chị em mình cũng là những o gái Huế bình thường, vào ra thành phố nắm tình hình bằng những công việc khác nhau. Chỉ khi địch phản công với lực lượng hùng hậu, tất cả chị em mới cầm súng và nổ súng. Trong cuộc chiến ác liệt ấy, trong hai đợt tiểu đội hy sinh 4 chị: Hoàng Thị Sau; Đỗ Thị Hoa; Hoàng Thị Hết; Nguyễn Thị Diên. Chị Sau và chị Hoa hy sinh ngày 12.2.1968 còn hai chị Hết, Diên hy sinh ngày 24.2.1968. Khi cuộc chiến nổ ra khốc liệt, chị em đều động viên nhau cầm súng đến hơi thở cuối cùng. Mọi người còn nhớ chị Hoa dặn đồng đội, nếu chị chết, khi gặp mạ chị thì nói chị đi Bắc để mạ khỏi đau lòng. Không ngờ sau đó...”, bà Nở gạt nước mắt...
Mẹ mất mà không thấy mặt con gái
Sau 26 ngày đêm chiến đấu ác liệt, cùng với các đơn vị khác, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được lệnh rút “lên rừng” và sau đó họ vinh dự được Bác Hồ gửi thơ khen: “Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường. Khôn ngoan dàn trận khắp trong phường. Bác khen các cháu dân quân gái. Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương”. Lúc bấy giờ tiểu đội chỉ còn 7 người và được bổ sung lực lượng, nâng cấp thành Trung đội Võ Thị Sáu. Ngày 15.9.1969, Tiểu đội phó Hoàng Thị Cúc khi trở về thành phố làm nhiệm vụ đã hy sinh. Tháng 4.1972, Tiểu đội trưởng Phạm Thị Liên hy sinh khi làm nhiệm vụ, Tiểu đội 11 cô gái sông Hương chỉ còn 5 người và họ tiếp tục chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đó là bà Hoàng Thị Nở, Nguyễn Thị Hợi, Lê Thị Xê, Nguyễn Thị Hoa và Chế Thị Mừng. Trừ bà Xê lập gia đình và sống ở Ninh Bình, 4 người còn lại đều sống ở Thừa Thiên-Huế, trong đó 4 người ở TP.Huế, 1 người sống ở xã Điền Môn, H.Phong Điền là bà Nguyễn Thị Hợi (nay đã vào Đà Nẵng sống với con cháu).
Bà Hoàng Thị Nở (cầm súng hàng đầu) cùng với các đồng đội năm 1968
Sau khi nước nhà thống nhất, bà Nở chuyển về làm khu đội của một khu phố ở TP.Huế. Bà Hoa làm ở Ban Quản lý chợ Đông Ba, bà Mừng làm quân y, sau chuyển sang dân y... Nay ai cũng lên chức bà, trừ một người mãi ngoài 40 tuổi mới sinh con, đó là bà Chế Thị Mừng - người đội viên trẻ nhất, tham gia cách mạng khi mới 14 - 15 tuổi.
Khi chúng tôi tìm về nhà bà Mừng ở số 5, đường Thanh Tịnh, P.Vỹ Dạ, TP.Huế những ngày cuối tháng 7, cũng là lúc bà Mừng vừa xuất viện về nhà do vết thương ở đầu tái phát. Nữ thương binh hạng 3/4 nói: “Để o kể cho nghe, như o từng kể cho một giáo sư người Mỹ cách nay hai năm tới nhà phỏng vấn để viết sách về cuộc chiến VN. Ông ấy hỏi o về động cơ tham gia cách mạng, cầm súng chiến đấu...”.
Bà Mừng kể, có đoạn không kìm nổi nước mắt: Nhà bà có 8 chị em, 2 gái 6 trai. Chị gái bà là xã đội trưởng, hy sinh khi chưa đầy 20 tuổi. Bị bắn, thi thể chị bà phơi ngoài đường dẫu gia đình và dân làng xin vẫn không được mang về, mãi sau này người dân gây sức ép mới mang được về an táng. Chuyện chưa yên thì địch phát hiện nhà bà Mừng nuôi giấu bộ đội. Vậy là cha bị tù đày, tài sản bị tịch thu, gia cảnh bị cô lập, lâm vào khốn đốn. Bà Mừng toan tham gia cách mạng thì mẹ bà van: “Chị gái mi mới chết, mi nhỏ rứa đi nữa thì tau cũng chết chứ sống răng (sao)?”.
Nghĩ thế nào mà trong một đêm, bà Mừng lấy cái bao vải đựng bột mì, nhuộm đen cột làm ba lô đựng một số ít tư trang và... đi theo cách mạng. Khi bà Mừng trở thành đội viên Tiểu đội 11 cô gái sông Hương thì ở nhà mẹ “nhắm mắt” mà không thấy mặt người con gái duy nhất còn lại... “O kể hết như rứa với ông giáo sư người Mỹ. Không biết họ phiên dịch như răng, nhưng o thấy thi thoảng ông đứng lên, đi đi lại lại, đăm chiêu rồi nói “then kìu, then kìu (thank you - NV)” - bà Mừng kể.
Vị giáo sư ấy tên là Mark Bowden (TP.Philadelphia, giảng dạy ở Loyola University Maryland, Mỹ) - người mà bây giờ bà Mừng và cô con gái giỏi giang tên Chế Thị Xuân Nhi luôn xem là người bạn khả kính. Nhi (25 tuổi) là cô con gái độc nhất, là chỗ dựa của bà Mừng. Cách nay 2 năm, Nhi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh doanh quốc tế, và đang ở TP.HCM làm thêm để học nâng cao. Nhi kể, từ nhỏ Nhi đã được gặp các dì đồng đội của mẹ và nghe nhiều về tiểu đội của mẹ, nhưng mỗi lần nghe lại biết thêm chuyện mới. Vốn giỏi ngoại ngữ và đặc thù ngành nghề nên Nhi gặp nhiều người Mỹ, kể cả những người từng tham chiến trong cuộc chiến VN. “Khi trò chuyện với em, chú Mark kể rằng chú và mẹ em trạc tuổi nhau. Nhưng tuổi thơ của chú, khi 14 - 15 tuổi thì được đến trường học hành, còn mẹ phải cầm súng chiến đấu trong một cuộc chiến tàn khốc. Chú ấy nói, chú đau lòng và cảm động!”, Nhi kể lại và nói: “Mỗi lúc bệnh tật hành hạ, vết thương cũ tái phát tội mẹ lắm. Em đi học xa mẹ lại càng khổ sở, làm sao mình không thấu hiểu nỗi đau ấy, nhưng lịch sử và quá khứ, có ai thay đổi được. Vấn đề là mình nhìn nhận ra sao và biết cách vượt qua và tôn trọng sự khác biệt. Em cũng nghĩ cần làm nhiều việc như học tập, phát huy kiến thức, sáng tạo ra nhiều sản phẩm và làm nhiều việc khác để xoa dịu những vết thương mà những người như mẹ đang mang, chứ chăm chăm vào quá khứ với lòng thù hận thì cũng khó mà làm lành các vết thương”.
Sau năm 1975, hài cốt 6 chiến sĩ trong Tiểu đội 11 cô gái sông Hương được quy tập, an táng tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế. Năm 2008 nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tiểu đội 11 cô gái sông Hương. Ngoài bia tưởng niệm tại ngã tư Bà Triệu - Lê Quý Đôn, P.Phú Hội, năm 2016 Hội Phụ nữ tỉnh cũng đã xây dựng bia chiến công vinh danh tiểu đội này đặt tại công viên Phạm Văn Đồng, P.Vỹ Dạ, TP.Huế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.