Đủ kiểu lọc lừa
Mỗi năm khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, vía Bà tại Miếu Bà chúa Xứ (P.Núi Sam, TP.Châu Đốc) rất đông. Nếu năm 2011 có trên 3 triệu lượt người thì năm 2016 đã lên trên 5 triệu lượt, riêng ngày cao điểm lên hơn 150.000 lượt người.
Ăn theo khách du lịch, lực lượng bán hàng rong, chim phóng sinh, đồ cúng (nhang đèn, muối gạo, trái cây…) đổ xô về đây. Thêm vào đó là những người bói toán, ăn xin, trộm cắp cũng kéo về, gây nên cảnh bát nháo và đủ chiêu trò lừa đảo.
Ông Nguyễn Văn Trung (ngụ TP.Long Xuyên, An Giang) bức xúc kể một lần vào rằm tháng Giêng, ông đưa 3 người bạn ở Hà Nội đi vía Bà. Tại đây, một phụ nữ bán hàng rong bám theo, dúi vào tay bạn ông nhang, đèn, muối, gạo để cúng Bà. Bạn ông hỏi giá bao nhiêu, người bán nói rẻ lắm, nhưng cúng xong thì đòi trả 1 triệu đồng. Khi ông Trung và bạn cự lại liền bị những người bán hàng rong xúm vào chửi mắng, đòi đánh. Sợ quá nên ông Trung đành phải trả tiền cho họ.
Theo ông Lưu Vĩnh Ngươn, Bí thư Thành ủy Châu Đốc, các tệ nạn trên đã để lại hình ảnh xấu đối với du khách khi đặt chân đến Châu Đốc. Do đó, Thành ủy, UBND TP.Châu Đốc chỉ đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan quyết liệt giải quyết để du khách không còn bị lừa mất tiền oan uổng, không đến một lần rồi “nản”…
Quyết liệt chấn chỉnh
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Châu Đốc, cho biết năm 2016, UBND thành phố đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch” với mục đích chấn chỉnh các hoạt động mua bán bát nháo, hạn chế tình trạng du khách mua chim phóng sinh, nhang đèn, gạo muối, trái cây cúng Bà bị người bán hàng rong “chặt chém”.
Thành phố cũng đẩy mạnh việc đưa người già, trẻ em lang thang ăn xin gần Miếu Bà vào trung tâm xã hội; tuần tra các điểm bán chim phóng sinh, phát hiện tình trạng cò mồi chèo kéo thì lập tức ngăn chặn xử lý. Đối với lãnh đạo công an các phường trọng điểm như Núi Sam, Châu Phú A, Châu Phú B thì chủ động mời những người bán chim phóng sinh, bán hàng rong… về trụ sở để tuyên truyền, vận động không nên bán buôn lôi kéo, “chặt chém” gây phản cảm. Với những người đã vi phạm thì cho làm cam kết không tái phạm, đặc biệt với những ai có hành vi trộm cắp thì lập danh sách theo dõi để quản lý. Công an TP.Châu Đốc cũng đã lắp đặt camera tại các điểm nóng, lập các số đường dây nóng để du khách kịp thời báo tin nếu bị hành hung, trộm cắp tài sản…
Nhờ các biện pháp tích cực nêu trên, từ năm 2015 trở lại đây, các tệ nạn đã giảm dần. Theo Ban Quản trị Miếu Bà chúa Xứ núi Sam, tình trạng người bán hàng rong xuất hiện trong khu vực miếu Bà để chèo kéo, dụ dỗ khách hiện không còn. Lực lượng bảo vệ của Miếu Bà nếu thấy người đưa chim phóng sinh, đồ cúng vào khu vực này lập tức đều được phối hợp lực lượng chức năng để xử lý ngay.
Anh Nguyễn Hữu Ái (ngụ TP.HCM) cho biết gia đình anh đã 3 lần đến vía Bà. Mấy năm trước khi đến đây, anh rất bức xúc vì bị người bán hàng rong bám theo tận nơi mời mua đủ thứ, người ăn xin đi theo năn nỉ xin tiền. “Năm nay đi vía Bà tôi thấy tình trạng bát nháo của các năm trước đã giảm hẳn, nhờ vậy gia đình tôi và nhiều người an tâm hơn”, anh Ái nói. Những chuyển biến nêu trên với quyết tâm rất cao của Đảng bộ - Chính quyền thành phố đã góp phần làm lành mạnh hoá môi trường du lịch, văn hoá tâm linh.
Trong năm 2016, các ban ngành trực thuộc UBND TP.Châu Đốc đã răn đe, giáo dục, cho làm cam kết 365 cá nhân, trong đó có 216 người gây rối trật tự công cộng, 149 người mua bán muối gạo, nhang đèn chặt chém. Tiến hành 87 lượt kiểm tra, phát hiện 11 tổ chức, cá nhân vi phạm về mê tín dị đoan, bói toán, xin xăm và đã xử phạt cảnh cáo, nhắc nhở.
|
Bình luận (0)