Đi ngược xu hướng

10/07/2017 05:42 GMT+7

Không nằm ngoài dự đoán, việc cấp phép đổ gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân (Bình Thuận) của Bộ Tài nguyên - Môi trường đã chính thức 'mở cửa' cho các doanh nghiệp khác xin đổ thải xuống biển.

Lần này, số bùn thải sau nạo vét mà Tổng công ty phát điện 3 (thuộc Tập đoàn điện lực VN - EVN) đang xin đổ xuống biển lên tới2,4 triệu m3, nhiều hơn gấp 2,5 lần so với lượng bùn thải đang chuẩn bị nhận chìm xuống biển của Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1. Đây là điều tất yếu bởi chẳng có gì tiện lợi, tiết kiệm bằng việc đổ hết xuống biển. Mà "ông kia" xin được thì chẳng có can cớ gì "ông này" không đi xin. Nên chắc chắn trong thời gian tới, sẽ có thêm rất nhiều doanh nghiệp (DN) làm giấy phép xin đổ thải xuống biển. Đơn cử theo quy hoạch điện VII, chỉ riêng ĐBSCL có tới 15 nhà máy nhiệt điện đã, đang và sẽ được xây dựng dọc các bờ sông - biển. Đặt trường hợp các nhà máy này đều xin đổ "vật chất" xuống biển như Điện lực Vĩnh Tân 1 nói trên thì có lẽ trong tương lai không xa, vùng đất được mệnh danh là "vựa lúa", "vựa thủy sản" của cả nước sẽ chẳng còn biển, còn sông để mà nuôi trồng.
Quan trọng hơn, nếu Bộ TN-MT đã sẵn sàng cấp phép cho các DN nhận chìm "vật chất" xuống biển thì không chỉ nông - thủy sản mà trước mắt là Bình Thuận và lâu dài ngành du lịch phải tính toán lại chiến lược phát triển. Chúng ta đều biết, du lịch nội địa phụ thuộc rất lớn vào biển. Các điểm đến nổi tiếng của VN đều là biển. Nếu từ nay biển trở thành nơi xả thải, là nơi nhận chìm "vật chất" của các DN, nếu các khu bảo tồn bị thu hẹp, nếu san hô bị hủy diệt, thủy sinh mất chỗ sống... thì ngành du lịch còn gì để mà quảng bá, mà hấp dẫn du khách đến VN? Không chỉ thế, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng cao nên các ngành thương mại, dịch vụ, khách sạn... cũng sẽ bị tác động dây chuyền, cũng phải nhanh chóng tính toán lại kế hoạch kinh doanh của mình. Hệ quả của tất cả những việc này sẽ ảnh hưởng đến một mục tiêu lớn của Bộ Chính trị, đó là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn tới năm 2020. Dư luận cũng sẽ đặt câu hỏi, khi cấp phép cho nhận chìm chất thải của Điện lực Vĩnh Tân xuống biển, Bộ TN-MT sẽ trả lời sao với chủ trương không hy sinh môi trường để tăng trưởng kinh tế của Chính phủ?
Nói để thấy, việc xả thải xuống biển có tác động hết sức lớn đến môi trường, đời sống, kinh tế của toàn xã hội. Chẳng thế mà dù có quy định cho phép (dù ràng buộc điều kiện chặt chẽ) xả thải xuống biển nhưng các nước trên thế giới đều hết sức thận trọng. Nhờ đó, lượng xả thải xuống biển toàn cầu cũng đã giảm mạnh để giữ gìn môi trường biển, môi trường thiên nhiên cho chính mỗi người, mỗi quốc gia và cho toàn cầu.
VN không thể và không nên đi ngược xu hướng của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.