Đối mặt với rủi ro

26/06/2017 06:13 GMT+7

Chuyện người dân xã Thái Tân, H.Nam Sách, Hải Dương tự bỏ tiền, công sức để mua thuyền, lập chốt chống “cát tặc” không phải là chuyện quá mới. Mà không chỉ chống “cát tặc”, người dân ở nhiều địa phương đã từng tự mình phải giải quyết rất nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản: chặn xe chở rác chôn lấp trái quy định, tự điều tra các nhà máy xả thải trực tiếp ra sông, hồ, cản trở nhà máy gây ô nhiễm…
Ở một góc độ nào đó, hình ảnh này cũng tích cực, vì chứng tỏ người dân có ý thức tham gia vào các vấn đề xã hội xung quanh mình, tự giác chống lại những hành vi sai trái trong cuộc sống nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng. Nhưng hỏi có nên vui mừng không thì có lẽ là không.
Âu cũng là vạn bất đắc dĩ, người dân mới phải bất chấp nhiều rủi ro đối mặt với “cát tặc” như thế. Khu vực bãi bồi rộng hàng chục héc ta chạy dài nhiều ki lô mét được phù sa bồi lắng cả nghìn đời thành vùng đất đai màu mỡ, là nơi canh tác, nuôi sống người dân nơi đây những năm qua đang bị bọn “cát tặc” lộng hành tàn phá. Người dân không khỏi xót xa, bức xúc và phẫn nộ khi ngày ngày nhìn miếng cơm manh áo của mình bị “cát tặc” cướp mất.
Buồn hơn nữa, khi ngay cả chính quyền xã Thái Tân cũng bất lực vì ban ngày thì tàu đậu “bên kia”, đêm mới sang “bên này” hút cát. Họ cũng chẳng làm gì được hơn việc chia ca cùng canh giữ lòng sông với người dân.
Theo báo cáo của lực lượng chuyên trách quản lý đê điều, hiện có gần 100 khu vực lòng sông, bãi sông xảy ra tình trạng hút cát trái phép. Cả nước có 737 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.257 km.
Câu hỏi đặt ra là “cát tặc” hoành hành trên phạm vi rộng gây bức xúc cho người dân ở rất nhiều địa phương, nhưng cho đến giờ, trừ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh công khai tuyên chiến với nạn khai thác cát lậu (mà câu chuyện đằng sau nó cũng còn nhiều tranh cãi) thì “nhiều chủ tịch tỉnh, thành phố chưa thực sự lên tiếng” (trích báo cáo của T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội). Mặt trận phải “Đề nghị chủ tịch tỉnh, thành phố phải có tuyên bố chung và chương trình hành động cụ thể đối với tình trạng khai thác cát trái phép, phá rừng trên địa bàn”.
Chống “cát tặc” có khó không?
Việc tự mình chống “cát tặc” của người dân xã Thái Tân cũng khá gian nan, nhưng nó cho thấy, hoàn toàn không khó với một chính quyền có bộ máy, có phương tiện và trên hết là có pháp luật. Khi một tàu đến một địa điểm nào đó để hút cát thì cảnh sát môi trường, chính quyền địa phương sẽ dễ dàng thấy. Còn nếu chính quyền nói không thấy hoặc thấy thì tại sao không xử lý là câu hỏi phải được đặt ra. Chúng ta phải giúp người dân trả lời câu hỏi: đứng đằng sau khai thác trái phép này có nhóm lợi ích không, hay nói cách khác, liệu chính quyền địa phương có đứng sau không? Tại sao tình trạng khai thác diễn ra công khai, nhưng nhiều nơi chính quyền cứ làm ngơ?
Chỉ khi nào chúng ta trả lời được tất cả những câu hỏi đó, mới không đẩy người dân vào tình trạng đối mặt với rất nhiều rủi ro về pháp lý và cả tính mạng khi phải đấu tranh tự phát với cát tặc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.