Trách nhiệm không thể chối bỏ

17/12/2017 06:34 GMT+7

Cả 3 hãng VietnamAirlines, Vietjet Air và Jetstar Pacific vừa bị kết luận chính nhân viên các hãng và lỗ hổng phần mềm, chỉ một phần do đại lý bán vé máy bay, đã làm lộ, lọt thông tin hành khách. Từ đó, có nguy cơ lượng khách hàng bị lộ thông tin có thể lên đến con số hàng triệu.
Điều này góp phần phản ánh một bức tranh u ám về việc thông tin cá nhân bị lợi dụng trên diện rộng tại VN.
Cụ thể, thông tin chủ thuê bao điện thoại di động lâu nay vẫn bị bên thứ ba sử dụng tràn lan cho mục đích quảng cáo, mời mua bảo hiểm, mua nhà đất và nhiều dịch vụ khác. Rồi thông tin của phụ huynh học sinh cũng bị lộ, dẫn đến tình trạng nhiều phụ huynh sợ thót tim khi nhận các cuộc gọi nói vanh vách thông tin của con mình với mục đích... mời học ngoại ngữ. Các danh sách khách hàng VIP của một số ngân hàng cũng bị rao bán như đối tượng tiềm năng cho các dịch vụ cao cấp.
Suốt nhiều năm qua, thông tin cứ lộ, lọt và bất chấp sự lên tiếng của người dân, dư luận. Điển hình là với ngành hàng không, từ năm 2013, Cục Hàng không từng yêu cầu các hãng bay rà soát và có kế hoạch ngăn ngừa, nhưng đến nay thì rõ ràng “căn bệnh nan y” này vẫn ám ảnh hành khách. Tương tự, sau các cuộc gọi mời mua bảo hiểm, thì nay người dùng điện thoại di động vẫn tiếp tục bị làm phiền với các chào mời khác. Chính vì thế, trách nhiệm trên hết của tình trạng trên thuộc về các doanh nghiệp nắm giữ thông tin của khách hàng.
Thực tế ở các nước phát triển, khi để xảy ra tình trạng như vậy, doanh nghiệp bị xử phạt rất nặng. Năm 2015, nhà mạng AT&T đã bị Ủy ban Truyền thông Mỹ (FCC) phạt đến 25 triệu USD (hơn 500 tỉ đồng) vì sơ suất để lộ thông tin của 86.000 khách hàng. Thậm chí chưa lộ, lọt mà khai thác thông tin để tiếp thị cũng bị phạt nặng. Năm 2014, không thông báo cho 2 triệu khách hàng khi sử dụng thông tin cá nhân của họ trong các chiến dịch tiếp thị dịch vụ, nhà mạng Verizon (Mỹ) đã bị FCC phạt 7,4 triệu USD (hơn 150 tỉ đồng).
Vì thế, trong bối cảnh tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân đang xảy ra tràn lan tại VN, cơ quan chức năng cần có những chính sách chế tài mạnh tay các doanh nghiệp liên quan. Các hãng hàng không, nhà mạng, nhà trường và ngân hàng... phải chịu trách nhiệm, phải bị xử phạt, thậm chí bồi thường cho khách hàng.
Điều này đặc biệt cần thiết khi thị trường VN đang có những bước chuyển theo xu hướng thế giới là thương mại điện tử. Với xu hướng này, nếu không giải quyết hiệu quả việc lộ, lọt thông tin thì không chỉ làm phiền khách hàng mà còn gây ra hậu quả lớn về tài chính, thiệt hại cho nền kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.