Chất thải nguy hại: Từ trường học đến ruộng đồng

21/11/2016 11:00 GMT+7

Chất thải nguy hại (CTNH) dễ cháy dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc... Ở Thừa Thiên - Huế, CTNH hiện diện từ nông thôn đến thành thị...

Thả nổi nguồn thải độc
Ở Thừa Thiên-Huế có một địa danh và cũng là di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng, đó là Cầu ngói Thanh Toàn ở làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy. Di tích này mê hoặc du khách bởi không chỉ vì cây cầu có những nét độc đáo riêng, mà họ bị cuốn hút bởi tổng quan cả một không gian sống ở chốn làng quê yên bình, một không gian sinh hoạt gắn với nền văn minh nông nghiệp giàu bản sắc Việt. Nhiều du khách thích thú tour du lịch này còn bởi họ được đạp xe, tản bộ trên con đường làng uốn quanh những cánh đồng xanh ngút tầm mắt… Nhưng nào ai hay, trên những cánh đồng bao phủ ấy, bên những khúc sông quê hay con kênh, mương nội đồng, rất nhiều bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu vương vãi, lưu cữu. Ở Thủy Thanh, dọc theo hai con đường làng tuyệt đẹp vào di tích Cầu ngói Thanh Toàn, một đường đi qua trước nhà văn hóa xã Thủy Thanh, một đường đi về phía đồng Tiền Làng đều có sự hiện diện của vỏ bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu. Thậm chí trên một đoạn chừng 50m dọc con kênh (hói) ở đồng Tiền Làng chúng tôi nhặt được hàng chục vỏ chai bằng nhựa lớn nhỏ, bao bì thuốc trừ sâu, diệt bọ diệt nấm mang nhiều nhãn hiệu khác nhau. Trên dòng kênh người ta vẫn chăn nuôi gia súc gia cầm, đánh bắt cá bao năm qua. Chai lọ, bao bì, vỏ thuốc trừ sâu bạ đâu vứt đó là chuyện thường ngày của người nông dân và dường như ngành nông nghiệp hay hội nông dân hầu như phó mặc, chẳng mấy ai đả đụng hướng dẫn xử lý đúng cách. Trao đổi với chúng tôi, ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Thừa Thiên-Huế nhìn nhận vấn đề chai lọ, vỏ thuốc trừ sâu, sau khi sử dụng đối với người nông dân từ trước đến nay hầu như bỏ ngõ và việc này tùy vào hướng dẫn của nhà sản xuất.
Nguy nan những phòng thí nghiệm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như khâu xử lý các mối nguy cơ loại hóa chất, dung môi hữu cơ để phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều hết sức tùy tiện. Đấy là chưa kể đến chai lọ sau sử dụng có khi lại cho vào cùng rác thải sinh hoạt. Nước thải hóa chất thì đều cho vào hệ thống xử lý nước thải chung rồi đổ thẳng ra môi trường. Không chỉ các trường THPT mà hệ thống trường đại học, các viện nghiên cứu hầu như vẫn chưa có một giải pháp bảo vệ môi trường, đầu tư xử lý rốt ráo chất thải nguy hại, độc hại. Tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) từng tồn lưu một lượng hóa chất nguy hại trong gần 40 năm qua và mãi gần đây mới được xử lý. PGS.TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng nhà trường cho biết số hóa chất này được nhà trường hợp đồng và nhờ một đơn vị trong ngành quân đội ở Hà Nội vào mới xử lý nổi. Còn tại Trường ĐH Khoa học Huế, sau hàng chục năm tồn tại và phát triển ngôi trường này vẫn chưa có hệ thống thu gom, xử lý CTNH khoa học, hiện đại, đúng quy cách. Được sự giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường và ban chủ nhiệm khoa Hóa, chúng tôi đã tiếp cận và thật sự sững sờ trước một khoa hóa chất tồn tại khoảng 40 năm nay mà hiện vẫn chưa có phương án xử lý tối ưu. Kho hóa chất này nằm ngay trong dãy nhà của khoa Hóa trong khuôn viên trường. Cửa kho luôn được khóa cẩn thận và rất hiếm khi được mở bởi hàng trăm loại hóa chất trải qua gần 40 năm đã hết hạn sử dụng.
TS Hoàng Thái Long, Trưởng khoa Hóa giải thích các hóa chất này có từ thời kỳ đầu thành lập Trường ĐH Tổng hợp Huế (tháng 10.1976). Các loại hóa chất trong kho chủ yếu phục vụ nghiên cứu, thí nghiệm. Trải qua 40 năm tích tụ, kho hóa chất nay đã thật sự là mối nguy nan và gánh nặng của nhà trường. Những loại hóa chất này không may lọt ra bên ngoài mà không xử lý phù hợp thì nguy hại vô cùng vì độc tính cao, nhiều loại là chất gây ung thư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.