Chạy nước rút kiểm soát dịch Covid-19

12/08/2021 04:46 GMT+7

Sau khi Nghị quyết 86 được Chính phủ ban hành ngày 10.8, nhiều tỉnh, thành khẩn trương lập kế hoạch, đưa ra hàng loạt giải pháp với kỳ vọng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đúng tiến độ mà nghị quyết đề ra.

Theo đó, nghị quyết nêu rõ: TP.HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15.9; các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước ngày 1.9 và các tỉnh, thành khác trước 25.8.

Dịch ở nhiều tỉnh, thành vẫn còn phức tạp

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tính từ khi có dịch đến 6 giờ ngày 11.8, TP.HCM có hơn 133.600 ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, TP đã có gần 133.000 ca nhiễm Covid-19 (từ trước 27.4 TP chỉ có 250 ca bệnh) và 3.321 ca tử vong được Bộ Y tế công bố (ca đầu tiên tử vong ở TP vào ngày 2.6.2021). Tính riêng từ ngày 9.7 (toàn TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16) đến 9.8, TP có khoảng 117.000 ca mắc. Ngày có số ca mắc nhiều nhất là 27.7 với 6.318 ca.
Hiện TP.HCM dịch đang ở mức từ 3.000 - 4.000 ca/ngày, và số ca xuất viện cũng tương ứng. Về điều trị, TP đang điều trị 31.885 ca, trong đó có 1.504 ca nặng đang thở máy và 15 ca can thiệp ECMO, hiện đã có 60.994 ca xuất viện.
Tính đến hôm qua, Hà Nội có gần 2.000 ca nhiễm Covid-19, tuy nhiên tín hiệu tích cực là số lượng các ca dương tính phát hiện ngoài cộng đồng tại TP đang có dấu hiệu giảm dần.

Sáng 12.8: TP.HCM thêm 2.318 ca Covid-19, vượt 135.000 bệnh nhân

Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, toàn tỉnh (từ đợt dịch thứ 4 đến nay) đã có hơn 10.627 ca bệnh. Toàn tỉnh mới có gần 10.000 giường bệnh và tiêm được 150.000 liều vắc xin trên tổng số 2 triệu người cần tiêm. Theo bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc CDC Đồng Nai, hiện tỉnh cần khoảng 1.500 nhân lực y tế để triển khai tiêm vắc xin cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Tính từ ngày 24.6 - 11.8, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 4.344 ca mắc Covid-19; trong đó tính từ 6 giờ ngày 11.8 đến trưa cùng ngày, tỉnh ghi nhận 176 ca mắc mới. Qua điều trị, có trên 1.800 ca được chữa khỏi bệnh; hiện đang điều trị hơn 2.300 ca, trong đó có gần 2.100 ca không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có 111 bệnh nặng và rất nặng. Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, khó khăn của tỉnh là đa số ca mắc đều xuất hiện trong cộng đồng, chưa xác định được nguồn lây.
Mục tiêu của TP.HCM là đến hết tháng 8 tiêm vắc xin đảm bảo độ bao phủ tối đa ẢNH: ĐỘC LẬP

Mục tiêu của TP.HCM là đến hết tháng 8 tiêm vắc xin đảm bảo độ bao phủ tối đa

ẢNH: ĐỘC LẬP

Tính từ khi bùng phát dịch bệnh đợt 4 đến nay, tỉnh Long An đã ghi nhận 12.328 người mắc Covid-19, đã điều trị khỏi 3.345 người, có 146 người tử vong. Đáng chú ý là trong 24 giờ qua đã ghi nhận đến 972 ca mắc mới. Trong khi đó, theo CDC Long An, tổng số giường bệnh của 22 bệnh viện điều trị Covid-19 tỉnh Long An khoảng 8.200 giường, hiện đang bị quá tải gần 500 bệnh nhân.

Khẩn trương họp bàn giải pháp

Ngay sau khi có Nghị quyết 86 của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức cuộc họp bàn giải pháp phòng chống, dịch và phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1.9. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết để đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, UBND tỉnh và các sở, ngành… đã và đang thực hiện nhiều giải pháp rất quyết liệt. Những giải pháp vượt quá thẩm quyền của UBND tỉnh thì ủy ban tham mưu đề xuất Thường vụ Tỉnh ủy sớm để cho chủ trương kịp thời. Giải pháp đặt ra của Đồng Nai là bảo vệ cho được “vùng xanh” và xanh hóa các vùng “cam”, “vàng”, làm sạch “vùng đỏ”. Đặc biệt là tăng cường năng lực điều trị và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin, kêu gọi y tế tư nhân tham gia sâu hơn vào quá trình chống dịch.
Tại Bình Dương, ngày 11.8, Tỉnh ủy Bình Dương cũng chỉ đạo triển khai hàng loạt giải pháp nhằm kiểm soát dịch trước 30.8. Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo hoạt động bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu điều trị F0. Các cấp chính quyền địa phương phối hợp ngành y tế, các đơn vị liên quan tiếp tục xét nghiệm sàng lọc Covid-19 lần 2 để truy vết, sàng lọc F0, tận dụng tối đa thời gian còn lại của giãn cách xã hội để khống chế, dập dịch. Đối với các xã, phường, thị trấn, Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu xây dựng phương án hoạt động bình thường trong điều kiện mới theo kế hoạch xây dựng “vùng xanh” của tỉnh đã ban hành. Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương, tỉnh sẽ nỗ lực hết sức để kiểm soát dịch, đưa địa phương trở về trạng thái bình thường mới sau ngày 30.8. Cùng ngày 11.8, UBND tỉnh Bình Dương cũng có văn bản hỏa tốc xin Chính phủ, Bộ Y tế phân bổ thêm 1 triệu liều vắc xin để tiêm cho công nhân, người dân.
Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến 15.8 toàn tỉnh sẽ xanh hóa dần những vùng “vàng, cam”. Đến 25.8, tỉnh sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới, tất cả các vùng đã được chuyển hóa sang “vùng xanh”, trừ TT.Long Hải vẫn còn là điểm nóng. Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh tập trung lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng, giữ vững, mở rộng dần các “vùng xanh”. Khẩn trương tiêm vắc xin trong thời gian sớm nhất... Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt ra mục tiêu ở 2 giai đoạn phòng, chống dịch từ ngày 10-15.8 và từ 15-25.8 cùng 4 lớp nội dung cần triển khai: chủ động kiểm soát không để dịch bệnh xâm nhập từ ngoài tỉnh; siết chặt giãn cách; kiểm soát chặt sự lây nhiễm; nâng cao khả năng điều trị.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết: “Các địa phương trong tỉnh dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch làm lây lan sang các địa bàn khác và phải xử lý nghiêm các vi phạm. Tinh thần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải được giữ đến giây phút cuối cùng của ngày 15.8. Căn cứ điều kiện thực tế trên địa bàn, các huyện, thành phố sẽ đề xuất phương án áp dụng biện pháp giãn cách xã hội phù hợp với tình hình, trên tinh thần là giữ chặt, cố gắng bảo vệ bằng được thành quả phòng, chống dịch thời gian qua. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ xem xét và đưa ra chủ trương, phương án sau ngày 15.8 cho toàn tỉnh”.
Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, cho biết ông đã yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các cấp phải linh hoạt trong xây dựng các biện pháp chống dịch giai đoạn từ nay đến hết tháng 8, trên tinh thần thực hiện cả “3 mũi giáp công”: mũi thứ nhất là xét nghiệm, khoanh vùng, truy vết để tách F0 ra khỏi cộng đồng; mũi thứ hai là tập trung tiêm vắc xin; mũi thứ ba là thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Sáng 12.8: Cả nước 4.642 ca Covid-19, riêng TP.HCM 2.318 bệnh nhân

TP.HCM triển khai đồng bộ các giải pháp

Mặc dù còn không ít khó khăn nhưng để kiểm soát dịch bệnh trước 15.9, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mục tiêu của TP.HCM hiện nay và thời gian tới là củng cố, tăng cường chăm sóc, điều trị F0 và tiêm vắc xin. Hiện TP có 3.500 giường hồi sức, đặc biệt có 1.500 giường do Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện T.Ư Huế đảm trách. Những nơi này được Bộ Y tế và TP bổ sung trang thiết bị, nhân lực; tập trung vào chăm sóc, điều trị F0 nhằm giảm thiểu số F0 chuyển nặng và tử vong. Ngoài ra, mục tiêu của TP là đến hết tháng 8 tiêm vắc xin đảm bảo độ bao phủ tối đa (mục tiêu là 70% dân số trên 18 tuổi). UBND TP đã đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp vắc xin trong tháng 8 với tổng số liều là 5,5 triệu (bao gồm mũi 1 và những người đủ điều kiện tiêm mũi 2).

Quá tải y tế do bệnh nhân “vượt tầng”

Trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 11.8 về tiến độ tiêm vắc xin và có hay không tình trạng quá tải y tế tại TP.HCM và một số tỉnh phía nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận có tình trạng quá tải.
Nguyên nhân, theo ông Thuấn, mặc dù Bộ Y tế đã chỉ đạo phải phân tầng đúng theo tình trạng bệnh nhân, song một số địa phương có tình trạng bệnh chưa đến mức phải điều trị ở tầng 3 mà đã chuyển tới, gây nên quá tải. “Chúng tôi đang chỉ đạo phải phân tầng đúng, nhưng cũng chú ý phân tầng không được muộn quá, bởi nếu chậm có nguy cơ tử vong cao. Phân tầng đúng có ý nghĩa rất quan trọng”, ông Thuấn nói.
Ông Thuấn cũng cho biết Bộ Y tế đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến, nhiều trung tâm hồi sức cấp cứu, ngay tại TP.HCM có 5 trung tâm hồi sức cấp cứu của các bệnh viện loại đặc biệt đặt tại cơ sở. Cùng với đó, ngành y tế đã huy động 10.000 sinh viên ngành y, dược. Trong số này, theo ông Thuấn, nhiều người từng liên tục có mặt ở các điểm nóng như Bệnh viện Bạch Mai, rồi đến Hải Dương, hiện tại đóng ở Đồng Nai, “từ tết đến giờ chưa về nhà”.
Liên quan đến tiến độ tiêm vắc xin, theo ông Thuấn, Bộ Y tế đã hướng dẫn các địa phương về việc phân bổ. Quan điểm là tiêm nhanh nhưng phải an toàn. Tới đây, khi lượng vắc xin về nhiều hơn, việc tiêm chủng sẽ tăng tốc, mỗi ngày có thể tiêm tối đa 2 triệu mũi vắc xin.
Chí Hiếu
Tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ ngày 11.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ tập trung, quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của T.Ư, nhất là nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các giải pháp cụ thể gồm kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng làm theo hình thức, “chặt ngoài, lỏng trong”. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức triển khai giải pháp đồng bộ, xác định lộ trình cụ thể để “xanh hóa” các khu vực nguy cơ cao, rất cao; nâng cao năng lực chăm sóc, điều trị để giảm tử vong xuống mức thấp nhất; tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người dân trên địa bàn.

“Quét” xét nghiệm diện rộng để thu hẹp vùng đỏ

Sáng 11.8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì buổi họp trực tuyến với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác phòng chống dịch. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các địa phương nghiên cứu tiếp thu các khuyến nghị của các tổ công tác Bộ Y tế hỗ trợ địa phương, cũng như các chuyên gia của Bộ Y tế về các vấn đề xét nghiệm, điều trị, sử dụng nhân lực.
Các tỉnh cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, đặc biệt tại “vùng vàng”, “vùng đỏ”, tận dụng "thời gian vàng" này cùng với xét nghiệm trên diện rộng. Đồng thời lưu ý trong công tác xét nghiệm, các địa phương cần có chiến lược hợp lý, kết hợp hài hòa giữa test nhanh kháng nguyên và PCR; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch nói chung, xét nghiệm, truy vết, tiêm chủng vắc xin, phân tầng điều trị…
Bộ Y tế đã có quyết định cấp 700.000 test nhanh cho các tỉnh, TP khu vực phía nam. Các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước… cần liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để nhận test nhanh tại kho dã chiến của Bộ ở phía nam. Trước đó, Bộ Y tế đã cấp phát, phân bổ, điều chuyển nhiều máy thở, máy thở HFNC, trang thiết bị và vật tư chống dịch cho các tỉnh, thành phía nam.
Liên Châu - T.Bình
Hà Nội cũng đã hoàn thành cơ bản phương án chuẩn bị các bệnh viện dã chiến với quy mô 7.500 giường bệnh. Song song với chiến dịch tiêm vắc xin lớn nhất lịch sử, Hà Nội đang triển khai chiến dịch xét nghiệm sàng lọc mở rộng quy mô lớn nhất, mục tiêu “bóc tách” nhanh các F0 ra khỏi cộng đồng, khoanh gọn các vùng có nguy cơ cao. Cụ thể, Hà Nội sẽ triển khai xét nghiệm diện rộng toàn TP.
TP sẽ tập trung cao điểm xét nghiệm từ 9.8 đến khoảng 17.8, tổng số 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và 2 triệu mẫu test nhanh với các đối tượng còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.