Chính phủ báo cáo Quốc hội: Giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngành

21/05/2019 19:59 GMT+7

Tại văn bản vừa gửi Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo về việc EVN để hơn 40.000 tỉ ở ngân hàng và lý giải thông tin giá điện phải gánh các chi phí đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này.

EVN để hơn 42.000 tỉ ở ngân hàng chưa đủ để EVN trả nợ ngắn hạn

Tại báo cáo này, Chính phủ cho biết: Chính phủ cũng đã chỉ đạo EVN điều hành tối ưu hệ thống, khai thác tối đa nguồn thủy điện theo tình hình thủy văn, giảm tổn thất, tiết kiệm chi phí 7,5% và thực hiện đông bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động.
Về thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN, báo cáo của Chính phủ cho biết EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỉ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỉ đồng, thặng dư vốn 127 tỉ đồng.
Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỉ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.
“Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN”, báo cáo nêu.
Về số dư tiền gửi ngân hàng 42.798 tỉ đồng của EVN, báo cáo của Chính phủ cho biết đây là số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất toàn EVN, “là tổng số tiền gửi ngân hàng tại 253 đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 thuộc Tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng”.
So với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106 ngàn tỉ đồng), thì số dư tiền gửi nêu trên chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than, dầu), bán điện (55 ngàn tỉ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn tiền mua điện của các nhà máy điện (10 ngàn tỉ đồng), trả nợ ngân hàng đến hạn (22 ngàn tỉ đồng), thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (2,5 ngàn tỉ đồng) và các khoản phải trả phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng (16,5 ngàn tỉ đồng).
Do đặc thù của ngành nghề kinh doanh, tiền điện thường tập trung vào cuối tháng nên số dư tiền gửi của EVN vào các ngày cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.
Một số khoản vay nước ngoài các đơn vị phải sử dụng tài khoản đặc biệt hoặc giải ngân một lần về tài khoản chuyên dụng của Người vay theo quy định của Hiệp định vay nên đã tăng thêm số dư tiền gửi của các đơn vị.
Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất, theo báo cáo.
Trong lĩnh vực đầu tư, EVN có số dư nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.

Chi phí mua điện 2019 của EVN tăng 20.000 tỉ đồng

Về các thông số đầu vào để tính giá điện, Chính phủ tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào chính và một số yếu tố khác làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỉ đồng.
Các biến động chi phí mua điện đầu vào của EVN Ảnh chụp báo cáo của Chính phủ
Với các thông số đầu vào chính nêu trên và tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cho sản xuất kinh doanh điện của EVN chỉ ở mức 3%, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh (các chi phí trong tính toán giá điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác và đầu tư ngoài ngành), tương ứng tỉ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.
Phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỉ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỉ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỉ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỉ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,9 đồng/kWh, tương ứng tỉ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%.
Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.