Tối 21.5, Chính phủ đã gửi Quốc hội báo cáo về việc điều hành giá điện, trong đó thông tin sơ bộ về kết quả kiểm tra việc hóa đơn điện tăng đột ngột, việc EVN để hơn 42.000 tỉ ở ngân hàng và lý giải thông tin giá điện phải gánh các chi phí đầu tư ngoài ngành của tập đoàn này.
Giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngành
Tại báo cáo này, Chính phủ đã lý giải về thông tin cho rằng giá điện “gánh” các chi phí, lỗ đầu tư ngoài ngành của EVN. Theo đó, báo cáo cho biết EVN đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỉ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỉ đồng, thặng dư vốn 127 tỉ đồng. Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ (tương ứng 187,5 tỉ đồng) tại Công ty CP tài chính điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hằng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019. “Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài ngành của EVN”, báo cáo nêu.
tin liên quan
Chính phủ báo cáo Quốc hội: Giá điện không gánh chi phí đầu tư ngoài ngànhCũng theo báo cáo, do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong lĩnh vực đầu tư, EVN có số dư nợ vay rất lớn, vì thế, nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao, đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.
Chi phí mua điện 2019 của EVN tăng 20.000 tỉ đồng
Về các thông số đầu vào để tính giá điện, Chính phủ tổng hợp ảnh hưởng của một số yếu tố đầu vào chính và một số yếu tố khác làm tăng chi phí mua điện năm 2019 khoảng 20.000 tỉ đồng.
Với các thông số đầu vào chính nêu trên và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cho sản xuất kinh doanh điện của EVN chỉ ở mức 3%, giá điện bình quân năm 2019 là 1.864,44 đồng/kWh (các chi phí trong tính toán giá điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác và đầu tư ngoài ngành), tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 8,36%.
Phương án giá bán lẻ điện bình quân đã thực hiện chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện dự kiến năm 2018 của các nhà máy điện (khoảng 3.266 tỉ đồng) vào năm 2019, nếu bổ sung thêm chi phí này, tổng chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện là 7.090,8 tỉ đồng, khi đó giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 sẽ là khoảng 1.879,90 đồng/kWh, tương ứng tỷ lệ tăng giá so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 9,26%. Để tránh tác động lớn đến chỉ số CPI và để ổn định kinh tế vĩ mô, Thường trực Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng 8,36%.
Hóa đơn điện tăng đột ngột: Không phát hiện sai phạm nào từ phía EVN
Báo cáo kết quả kiểm tra sơ bộ sau khi nhiều người tiêu dùng phản ánh về việc hóa đơn điện tăng đột ngột, Chính phủ cũng cho biết không phát hiện sai phạm nào từ phía EVN. Cụ thể, Bộ Công thương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Cục Điều tiết điện lực, Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ người tiêu dùng VN, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng liên đoàn Lao động VN, EVN và thực hiện kiểm tra từ ngày 8 - 10.5 tại 5 Tổng công ty điện lực và một số khách hàng sử dụng điện trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy hóa đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt tăng là do 3 nguyên nhân: sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3.2019.
Tuy vậy, Chính phủ cũng cho biết thời gian tới sẽ chỉ đạo Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng về điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện bậc thang, hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ. Bộ cũng sẽ nghiên cứu xem xét lại quy định về các bậc thang trong biểu giá điện sinh hoạt nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của các hộ sử dụng điện, đánh giá đầy đủ tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm khách hàng, đặc biệt tác động đến các nhóm khách hàng thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Bình luận (0)