Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong phiên họp thứ nhất Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra sáng nay, 20.9.
Phổ biến tình trạng ngại minh bạch
Báo cáo về thực trạng Chính phủ điện tử (CPĐT), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam đã có những tiến bộ trong xếp hạng về Chính phủ điện tử, năm 2018 tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Bruney, Thái Lan và Philippines.
Mức xếp hạng này là thấp so với cả khu vực và thế giới.
Một số tồn tại được chỉ ra như nền tảng kỹ thuật chia sẻ dữ liệu triển khai chậm, đặc biệt cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dậm chân tại chỗ; dịch vụ công trực tuyến thiết kế rời rạc, chưa lấy người dân, DN làm trung tâm, dẫn đến số lượng hồ sơ trực tuyến rất thấp, thậm chí một số dịch vụ không phát sinh hồ sơ.
Dịch vụ lẫn lộn giữa giấy tờ và trực tuyến, gây phiền hà cho người dân và công chức thực hiện. Nguồn nhân lực CNTT mỏng và có xu hướng dịch chuyển sang khu vực tư. Bảo mật thấp. Có tình trạng cát cứ, không sẵn sàng chia sẻ, liên thông giữ liệu. Chưa có trách nhiệm giải trình của người đứng đầu...
Quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc DN viễn thông, CNTT xếp hạng cao, mà CPĐT xếp hạng thấp là do chúng ta không làm, chứ không phải vì năng lực không thể làm.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ quan điểm này, và lấy ví dụ ngay trong Bộ ông quản lý cũng có những người không muốn làm, không chịu làm vì những tư duy “thâm căn cố đế”. Do đó, Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh “phải kiên quyết”, “phải có quyết tâm chính trị lớn” mới làm được việc này.
|
Tương tự, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cũng thừa nhận thực tế có “một số không muốn làm, vì đưa công nghệ vào thì minh bạch hóa toàn bộ quá trình làm thủ tục và rõ trách nhiệm; bất kỳ lúc nào cũng biết lỗi ở đâu, chậm trễ ở đâu”.
Do vấn đề này mà thực tế ứng dụng công nghệ ở các cơ quan, địa phương là rất khác nhau, phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực của người đứng đầu. “Vĩnh Long, Long An đã tiến rất nhanh, ngang với Hà Nội, dịch vụ công trực tuyến đã thu được chi phí thừa để tăng cường cơ sở vật chất. Nhiều địa phương khác lại chưa biết thế nào”, ông Hà cho biết.
Bảo mật thông tin: "Đừng để mất bò mới lo làm chuồng"
“Slogan” mà Thủ tướng đưa ra cho mục tiêu xây dựng CPĐT lần này là “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”. Cùng với đó, việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chính phủ điện tử cũng được lãnh đạo nhiều bộ đánh giá là quyết tâm chưa từng có từ trước tới nay của Chính phủ trong việc tạo ra thay đổi, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, lần này Chính phủ đã đi đúng hướng, khi áp dụng chính sách “một người chỉ đạo, một số ít DN CNTT hàng đầu quốc gia thực hiện các hạng mục nền tảng”, bởi đây là các dự án không nên để “nhiều người chỉ đạo, nhà nhà làm” như vừa qua.
Theo ông Hùng, nên có các cơ chế đặc biệt để thực hiện 3-5 hạng mục chính, như là chọn thầu dựa trên cạnh tranh hữu hạn giữa 1 số DN lớn, hoặc chỉ định thầu, vì các dự án nền tảng đều có yếu tố an ninh quốc gia.
Nhấn mạnh sự thịnh vượng của mỗi quốc gia bắt buộc phải dựa trên internet, nhưng bản thân internet lại không an toàn, ông Hùng khuyến nghị sử dụng một số sản phẩm trong nước như máy tính quân sự Việt Nam, hệ điều hành Việt Nam, phần mềm virus Việt Nam... để yên tâm hơn về vấn đề an toàn thông tin.
“Giờ các DN Việt Nam phát triển các ứng dụng rất mạnh, không nhất thiết phải thuê DN nước ngoài, trừ vài phần mềm platform”, ông Hùng nói.
Trước mối lo lắng về bảo mật thông tin khi “điện tử hóa” Chính phủ, đặc biệt trong bối cảnh CPĐT còn hiệu quả thấp mà lộ lọt thông tin lại nhiều, Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan không được để “mất bò mới lo làm chuồng”, mà phải tỉnh táo trước âm mưu đánh phá của thế lực thù địch để lật đổ chế độ.
“Tiền viện trợ tôi hoan nghênh, còn phần mềm anh viết để lấy cắp hết thông tin của chính phủ này, để lật đổ chế độ... tôi không chấp nhận”, Thủ tướng nói.
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ vẫn nhấn mạnh việc Việt Nam phải hội nhập với môi trường điện tử của thế giới, phải có "kỷ luật sắt" để thực hiện thành công CPĐT, nâng cao tính hiệu quả và minh bạch.
Bình luận (0)