Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

18/05/2017 08:17 GMT+7

Cuộc đối thoại suốt 6 giờ của Thủ tướng với doanh nghiệp cả nước hôm qua (17.5) đã có nhiều tràng pháo tay lớn kéo dài khi doanh nghiệp chỉ thẳng yếu kém của cán bộ công chức, cũng như khi người đứng đầu Chính phủ thể hiện thái độ cầu thị lắng nghe, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp.

Hội nghị bắt đầu từ 7 giờ 30 sáng, tại Hà Nội, xuyên trưa đến gần 14 giờ, với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) và khoảng 10.000 đại biểu tại điểm cầu của 63 tỉnh, thành, trong đó có cả bí thư, chủ tịch nhiều tỉnh thành. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam và nhiều bộ trưởng đã trực tiếp lắng nghe và phản hồi ý kiến của cộng đồng DN.
DN phải “đi đêm”, chung chi
Theo Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, như chi phí vận chuyển 1 container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về VN, chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines hay chi phí nộp thuế cao nhất so với Asean 4.


Chúng ta sẽ xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả thành phần kinh tế đều bình đẳng. Chính phủ cũng mong doanh nghiệp cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Đại diện cho cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc tổng kết Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đưa ra 3 thông điệp căn bản: DN là động lực của sự phát triển, Chính phủ có trách nhiệm kiến tạo, phục vụ doanh nhân và khởi nghiệp là sự nghiệp của nhân dân. Tuy nhiên, dù Chính phủ giữ vững tinh thần “trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi”, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. VN đang là nền kinh tế có chi phí kinh doanh lớn nhất trong khu vực cả chính thức và không chính thức. Dẫn ra ví dụ một số DN sản xuất mũ bảo hiểm, đóng tàu gặp khó khăn với các quy định và yêu cầu chồng chéo, ông Lộc cho rằng do những ràng buộc về điều kiện kinh doanh. Thậm chí, ông Lộc ví von “đến Boeing nếu vào đầu tư tại VN cũng không thể đáp ứng nổi”.
Bên cạnh đó, DN vẫn nơm nớp lo những chính sách thực hiện kiểu “sớm nắng chiều mưa”, nhiều khi DN đứng trước ngã ba đường do thiếu công bằng trong giải quyết tranh chấp, hiện tượng hồi tố trong kinh doanh, trên bảo dưới không nghe hay “trên nóng dưới lạnh”... Các kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, DN mỗi năm phải tiếp từ 6 - 7 đoàn thanh, kiểm tra; 14% DN bị kiểm tra 4 - 5 lần trong năm 2016. Còn theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, có DN ở Đồng Nai phản ánh 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần, DN khác thì bị thanh tra tới 12 lần trong năm.
Thẳng thắn hơn, ông Nguyễn Đăng Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, chỉ rõ chi phí không chính thức như các khoản xin cấp chứng chỉ hành nghề, tiếp cận đất đai, ngân hàng... chưa có gì cải thiện. Tình trạng “của công chia ba, của nhà chia đôi” vẫn còn xuất hiện nhiều trong xử lý các thủ tục hành chính, làm bóp méo, giảm sút năng lực cạnh tranh của DN cũng như quốc gia, giảm sút niềm tin của DN. Theo ông Thân, nguyên nhân do chính các cán bộ, viên chức nhà nước. Dù Chính phủ đã rất quyết tâm nhưng có sự thờ ơ, vô tâm của một bộ phận thực thi tìm cách bắt lỗi DN, muốn làm nhanh phải “chung chi, đi đêm”. Bản thân DN vì khả năng kinh doanh kém nên chủ động “đi đêm” hoặc buộc phải chấp nhận chung chi để tồn tại. Để chấn chỉnh, cần sự chung tay của cả cán bộ lẫn DN.
“50% cán bộ chỉ ngồi chơi, bói chữ”
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Công ty CP Hợp Lực - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, nêu ý kiến: “Tôi xin nói thẳng: muốn Nghị quyết 35 thành công phải tăng cường tổ chức cán bộ. Các địa phương phải thừa đến 50% cán bộ, họ đi chơi quá nhiều, ngồi “bói chữ” nhiều mà ít làm, mua quan bán chức quá nhiều mà ít người tài”. Câu nói thẳng này của ông Đệ nhận được tràng pháo tay dài tán thưởng từ hội trường.

Nêu ví dụ từ lĩnh vực bệnh viện, theo ông Đệ, không nên cho phép xây bệnh viện tư trong sân bệnh viện công, sẽ bóp chết hàng chục bệnh viện tư khác, cạnh tranh không lành mạnh. “Cái gì DN làm được thì nhà nước thôi không đầu tư nữa, cứ lấy tiền nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Nhiều bệnh viện tư nhà đầu tư muốn làm nhưng địa phương không cho. Công hay tư đều phải bình đẳng. Không phải cái gì thuận tiện là đẩy cho công, khó lại đẩy cho tư”, ông Đệ nói. Doanh nhân này cũng ví dụ tại Hải Phòng, chính quyền động viên DN bỏ 50 tỉ đồng làm bến xe, nhưng sau khi xong thì “bẻ kèo”. “Tôi đại diện cho Hiệp hội DN về làm việc, nhưng bí thư, chủ tịch không gặp, tôi nằm ở đó 3 ngày rồi về không”, ông Đệ dẫn chứng. Phản hồi thông tin trên, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho hay chưa nhận được tin nhắn hay cuộc điện thoại nào của ông Đệ. Về dự án bến xe, theo ông Thành, các DN có quyền lựa chọn bến bãi, TP không thể can thiệp để DN từ Bến xe Tam Bạc về Bến xe Thượng Lý.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC VN, cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã xác định VN là điểm đến duy nhất trong khu vực và kỳ vọng sẽ mở rộng đầu tư. Nhưng có nhiều điểm VN cần lưu ý, như năng suất lao động thấp, nhiều DN nội hụt hơi trong cạnh tranh với DN FDI, một nền kinh tế phát triển cũng không thể dựa mãi vào thị trường nhân công giá rẻ.
Kết thúc buổi sáng, 16 ý kiến từ nhiều thành phần DN được nêu, trải rộng từ lĩnh vực bất động sản, sữa, thức ăn chăn nuôi… và 30 ý kiến khác vì không đủ thời gian, đã được đề nghị gửi tới Văn phòng Chính phủ.
Năm giảm phí cho DN
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu: Hôm nay nói rất nhiều thanh tra, kiểm tra khó khăn chồng chất cho DN. Tôi bàn với các thành viên Chính phủ ban hành chỉ thị không cho thanh, kiểm tra 1 năm quá 1 lần, được ký đúng 1 giờ chiều hôm nay mang số 20 sẽ công bố ngay sau đây”.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định: Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phải xây dựng được môi trường kinh doanh thân thiện, không chỉ tự do kinh doanh, sáng tạo mà còn an toàn, không chỉ có chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp, không chỉ kiểm soát độc quyền mà còn chống buôn lậu hàng giả hàng nhái đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Trong 1 năm qua, Chính phủ, bộ ngành các địa phương đã “gãi” đúng chỗ, chứ không chỉ ngứa trên đầu mà gãi dưới chân. Cụ thể, về thể chế, Chính phủ đã ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh, tập trung cắt giảm nhiều giấy phép, thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho DN. Chủ trương của Chính phủ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mục tiêu này tạo sức ép cho các địa phương tiếp tục cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho DN... Các nỗ lực này đã đạt kết quả bước đầu khá ấn tượng, số lượng, chất lượng DN trong nước và FDI thật đáng mừng. 75% số DN được khảo sát nói kết quả cải cách là tích cực, 25% nói chưa đạt yêu cầu.

Nhắc lại trường hợp đồng ý Uber, Grab taxi vào hoạt động dù quản lý rất khó khăn, Thủ tướng cũng hoan nghênh tinh thần của Bộ GTVT, không phải cứ quản lý khó là cấm.
Dù vậy, theo Thủ tướng, còn nhiều rào cản cho phát triển DN. Chính phủ đã nhận diện: về thể chế chính sách, chưa giải quyết được mâu thuẫn các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa sát với thực tế, thiếu minh bạch, tốn kém chi phí... Tinh thần mà DN đã nêu, Chính phủ tiếp thu là xây dựng môi trường bình đẳng giữa DN công và tư. Xóa bỏ ưu ái, thu hồi nguồn lực tài nguyên kém hiệu quả để phân bổ lại. Rà soát để giảm bỏ gánh nặng tài chính cho DN như thủ tục hành chính, thuế, hải quan, BOT, dịch vụ công, chi phí giám định... đang đè lên DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp tham dự đối thoại Ảnh: Ngọc Thắng

“Các đồng chí đề nghị tôi đặt tên 2017 là Năm giảm phí cho DN”, Thủ tướng nói và cho biết rất mừng khi Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, hay Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ trưởng Công an đều nói rằng bảo vệ DN làm ăn chân chính nghiêm túc, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta sẽ xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả thành phần kinh tế đều bình đẳng. Chính phủ cũng mong DN cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Cha ông ta đã nói dân giàu thì nước thịnh, đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng DN yếu kém, cơ quan quản lý, địa phương cần có chương trình tạo điều kiện cho DN phát triển. Tôi nhắc lại Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói, phải tự cứu mình trước khi trời cứu, phải tự đổi mới, tự cải cách”.
Người mua không phải chịu trách nhiệm tại dự án “đất vàng” sai phạm
Tại buổi họp báo diễn ra sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN, chiều 17.5, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, đã trả lời báo chí một số thông tin liên quan đến đề xuất thanh tra và dừng thi công 60 dự án “đất vàng” chuyển đổi mục đích của DN cổ phần hóa (CPH).
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, đề xuất trên khiến thị trường bất động sản chao đảo dữ dội; nhà đầu tư hoang mang, nhiều dự án người mua bất ngờ hủy hợp đồng, yêu cầu rút tiền. Hậu quả, không ít DN bất động sản rơi vào cảnh bế tắc và có nguy cơ phá sản.
Ông Tuấn cho biết đề xuất bắt nguồn từ yêu cầu của Thủ tướng. Theo đó, Bộ Tài chính phải rà soát tình trạng sử dụng đất của các DN CPH báo cáo Thủ tướng và kiến nghị các giải pháp khác. Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Bộ Tài chính đã rà soát từ 1.7.2014 đến hết năm 2016. Qua đó, đưa ra 2 kiến nghị. Thứ nhất, Bộ báo cáo Thủ tướng năm 2017 một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã duyệt và giao cho Thanh tra Chính phủ là kiểm tra, thanh tra tình trạng sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM. Do vậy, Bộ đề nghị chuyển danh sách 60 dự án đó sang Thanh tra tham khảo, chọn ra các đối tượng rủi ro để thanh tra, kiểm tra và Chính phủ đã chấp thuận với đề nghị này.
Thứ hai, trong 60 dự án đó, đối với dự án có dấu hiệu vi phạm so với điều 118 luật Đất đai, nếu dự án đang thực hiện thì đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh đình chỉ dự án. Theo ông Tuấn, sáng 17.5, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cũng gửi Bộ Tài chính 4 kiến nghị và Bộ đồng tình với cả 4 kiến nghị này. Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm thay thế quyết định 09, 80 và 86 về việc sử dụng đất của DN trong quá trình CPH để không thất thoát, đảm bảo đúng mục tiêu và quy định của pháp luật. Thứ hai, kiến nghị Chính phủ sửa đổi lại cơ chế định giá đất và đấu thầu giá đất.
Thứ ba, Bộ đồng ý với đề xuất của hiệp hội là chủ đầu tư mặc dù vi phạm vẫn cho tiếp tục xây dựng nhưng với cam kết thực hiện đúng nghĩa vụ, quy định pháp luật. Thứ tư, trong trường hợp đó, chủ đầu tư vẫn phải đảm bảo quyền lợi người mua hàng. Liên quan đến công tác thanh tra, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, các DN phản ánh rất nhiều về tình trạng thanh kiểm tra chồng chéo. Từ thanh tra chuyên ngành, đến thanh tra T.Ư, bộ, sở và cơ quan kiểm toán. Ngay trong hội nghị, Thủ tướng cũng đã ký ban hành Chỉ thị 20 về vấn đề này. Theo đó, quan điểm chung là trong 1 năm chỉ được thanh, kiểm tra 1 lần hoặc kiểm toán 1 lần. Đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tập hợp tất cả kế hoạch thanh tra của các đơn vị sau đó phê duyệt kế hoạch thanh tra chung.
Anh Vũ
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.