Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu khả thi

22/11/2016 16:59 GMT+7

Thảo luận về dự luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tại hội trường sáng nay 22.11, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm từng bộ, ngành trong triển khai thực hiện hỗ trợ DNVVN.

ĐB Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành luật này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường trợ giúp để phát triển mạnh DNVVN, kinh tế hộ gia đình, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo hành lang pháp lý để phát huy vai trò quan trọng của DNVVN trong nền kinh tế quốc dân…, song cho rằng, quy định tại Điều 34 của dự Luật về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước về hỗ trợ DNVVN còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong hỗ trợ đối tượng này.
Trong khi đó, theo bà Trang, nội dung hỗ trợ trong dự thảo tại Chương 2 lại liên quan đến rất nhiều lĩnh vực như tín dụng, tài chính, mặt bằng sản xuất, công nghệ, thị trường, mua sắm công, thông tin tư vấn, nguồn nhân lực…
“Rất cần quy định rõ các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ làm cơ quan chủ trì để cụ thể hóa các chính sách và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, lĩnh vực, ngành quản lý. Ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan để nâng cao hiệu quả, ban hành, thực thi chính sách hỗ trợ”, bà Trang đề nghị.
Phát biểu ngay sau đó, ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) góp ý thêm, các chính sách hỗ trợ cơ bản DNVVN tại Chương 2 đang “tuyên ngôn” quá nhiều nhưng ý nghĩa thực chất và tính khả thi của chính sách lại rất hạn chế. Những hạn chế mà bà Hiền chỉ ra là một số quy định chưa rõ hỗ trợ gì, mang lại lợi ích gì cho DNVVN mà lại quy định theo kiểu quy định chung chung, tạo môi trường điều kiện thuận lợi, rồi giao Chính phủ quy định. “Ví dụ, Điều 8 quy định về hỗ trợ gia nhập rút khỏi thị trường. Điều 9 về hỗ trợ tín dụng từ các ngân hàng, nhưng tìm mãi trong dự thảo nghị định quy định chi tiết thì không có gì”, ĐB Hiền dẫn chứng.
Cũng như bà Trang, bà Hiền cho rằng dự luật chưa làm rõ chủ thể chịu trách nhiệm triển khai từng chính sách hỗ trợ DNVVN là cơ quan, tổ chức nào. Đáng chú ý, theo ĐB này, các quy định của dự luật “chưa đặt DNVVN vào vị trí trung tâm để thiết kế quy phạm về chính sách hỗ trợ.
Minh chứng cho nhận xét này là Điều 10 được đặt tên "Hỗ trợ tín dụng tiếp cận từ các quỹ" nhưng thực chất quy định về chức năng nhiệm vụ và phân loại, phân cấp các quỹ tài chính nhà nước không thấy quyền tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ thể hiện thế nào.
Không nên hỗ trợ cào bằng
Qua thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng nên khoanh hẹp phạm vi đối tượng được hỗ trợ lại, thay vì đưa vào phạm vi điều chỉnh của dự luật tất cả DNNVV, với số lượng lên tới 520.000 doanh nghiệp như hiện nay.
“Qua nghiên cứu các chế định trong dự luật này, tôi nghĩ chúng ta không nên đưa ra các chính sách kiểu hỗ trợ cào bằng, rải đều một cách chung chung mà dự luật nên thiết kế giao cho Chính phủ xem xét, lựa chọn nhóm, ngành, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển, có nền tảng và cơ bản có khả năng tham gia hoặc sẽ tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, phù hợp với kế hoạch dịch chuyển cơ cấu các cấp và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt thích ứng với xu hướng phát triển của nền công nghiệp lần thứ 4.
Nên chăng khuyến khích và động viên mạnh các khu vực, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, tham gia tích cực trong chuỗi giá trị gia tăng tạo cho nền kinh tế và bảo vệ môi trường”, ĐB Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) kiến nghị.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng cho rằng, không nên quy định hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp này bằng các cơ chế có thể tạo ra bất bình đẳng trong cạnh tranh với các đối tượng khác, như hỗ trợ từ vốn vay, giảm thuế doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, vốn tiếp cận công nghiệp…, đến chi phí dịch vụ, đào tạo, tư vấn, truyền thông, kết nối khởi nghiệp, kết nối mạng, hỗ trợ mua sắm công và phát triển nguồn lực. Thay vào đó, cần quy định hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh để giảm bớt các thủ tục hành chính và bớt phiền hà sách nhiễu.
Đồng thời, cần tập trung hỗ trợ DNVVN hoạt động trong các lĩnh vực mang tính hưởng lợi chung, như hỗ trợ cho ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ kinh phí cho đầu tư xây dựng chuỗi liên kết để đẩy mạnh, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ kinh phí xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, các trung tâm bán đấu giá và tạo tiền đề cho doanh nghiệp phát triển.
Ngoài ra, theo ông Phương, phải tạo cơ chế thông thoáng trong kinh doanh để hạn chế thanh tra, giám sát và cũng có quy định mỗi năm có bao nhiêu lần được thanh tra, kiểm tra. “Có một tình trạng doanh nghiệp nhỏ hiện nay cũng một tháng có đến 3-4 đoàn kiểm tra. Thanh tra có quyền thanh tra, thuế nói có quyền thuế, kiểm toán cũng vậy”, ông Phương dẫn chứng.
Qua những thông tin được tiếp cận gần đây, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cũng cho rằng, DNVVN không cần hỗ trợ nhiều về vốn, mà cơ bản là vấn đề thủ tục. “Nhà nước phải tạo niềm tin cho người ta đầu tư để thu hút dòng vốn xã hội vào. Bây giờ cứ để doanh nghiệp khó khăn không tiếp cận được các dự án, không tiếp cận được các chính sách thì chúng ta không thể hỗ trợ cho DNVVN”, ông Nhưỡng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.