Chủ tịch Quốc hội: Hết thí điểm lại thực nghiệm, học sinh khổ lắm

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/09/2018 11:21 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói như vậy và cho rằng, bà thấy rất thương học sinh bây giờ vì học rất khổ sở, chương trình rất nặng nhưng kiến thức đọng lại thì không nhiều.

Sáng nay, 12.9, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về luật Giáo dục sửa đổi, vấn đề thí điểm, đổi mới, chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trở thành vấn đề nóng khi được rất nhiều thành viên ủy ban đề cập.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về quy định các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa vì cho rằng, nếu để các cơ sở giáo dục tự chọn sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường thì không hiểu triển khai thế nào. “Nếu học sinh, phụ huynh mua sách này đến trường thầy giáo bảo không được, phải mua sách này của trường thì thế nào?”, ông Hiển nói.
Ông Hiển cho biết, thời ông học sách giáo khoa 10 năm vẫn dùng được và vẫn sách đó mang về Hà Nội hay lên miền núi vẫn học được. Nay nếu mỗi trường tự chọn sách giáo khoa thì sẽ là sự tốn kém rất lớn cho xã hội. Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo phải quy định thống nhất các trường sử dụng sách giáo khoa theo chương trình chung.
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng cần cân nhắc về chủ trương này nhất là đối với bậc tiểu học. Theo bà Hải, hiện nay cử tri hết sức bức xúc với sách giáo khoa sử dụng một lần khi mỗi năm các gia đình phải bỏ ra tới 1.000 tỉ đồng để mua sách giáo khoa nhưng tới năm sau thì không dùng được nữa. 
Từ đó, bà Hải kiến nghị nếu các trường được lựa chọn sách giáo khoa thì đề nghị cha mẹ học sinh cũng phải được biết và được lựa chọn chương trình và sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, không thể có sách giáo khoa nhà trường tự chọn hay một môn học lại có nhiều sách giáo khoa. "Trẻ con đi học giáo viên gợi ý học sinh phải mua sách, không mua giáo viên chấm điểm thấp thì gay. Phải thống nhất cả nước chứ không phải địa phương, trường muốn chọn sách giáo khoa nào thì chọn", ông Tỵ nói.
100% các trường ở tỉnh sử dụng thì còn là thực nghiệm nữa không?
Đề cập tới quy định về các chương trình thí điểm, thực nghiệm, bà Hải cho hay, gần đây, cử tri rất quan tâm tới chương trình thực nghiệm công nghệ giáo dục. Theo luật Giáo dục hiện hành, khi chương trình thí điểm được triển khai đại trà thì Chính phủ phải trình Quốc hội để phê chuẩn.
Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh 100% các trường đều sử dụng sách công nghệ giáo dục, như vậy, lúc này chương trình thực nghiệm đã trở thành đại trà chứ không còn là thực nghiệm nữa.
Bà Hải cũng kể, sau khi nhận được một số phản ánh của cử tri, bà đã tìm mua sách tiếng Việt công nghệ giáo dục tại các hiệu sách ở Hà Nội nhưng không mua được. Bà Hải nêu vấn đề: Liệu việc cung cấp loại sách này có phải độc quyền không? Cha mẹ muốn học theo con mình thì mua ở đâu?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi phát biểu cũng nêu ra hàng loạt các vấn đề bất cập của giáo dục hiện nay. Bà Ngân nói: “Tôi thấy rất thương trẻ con học sinh bây giờ vì học rất khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây 5 - 6 chục năm nhưng kiến thức không quên cái gì, còn nguyên nhưng trẻ giờ hỏi nó không biết”, bà Ngân nói và đặt câu hỏi không biết bây giờ dạy kiểu gì, chất lượng thế nào trong khi học sinh học thêm rất nhiều, gần như không có nghỉ hè, không có vui chơi.
Bà Ngân kể, bà có người bạn là giáo viên, nói rằng giáo dục bây giờ rất khó, không giống ngày xưa, không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều cái cao siêu, hàn lâm rồi liên tục đổi mới, thí điểm mà không biết kinh nghiệm ở đâu, làm khổ học sinh.
Bà Ngân nói, cử tri đồng tình nền giáo dục phải đổi mới căn bản toàn diện nhưng sau khi đổi mới thì cần phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. “Thực nghiệm gì mà mấy chục năm rồi vẫn thực nghiệm. Hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ học sinh lắm”, bà Ngân nói.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định: Không thể có sách giáo khoa tự chọn được. Không thể trường này tôi muốn học cái này, trường khác thì học cái khác. Tỉnh nào có sách của tỉnh đó. “Nền giáo dục như vậy không được”, bà Ngân nói.
Nội dung đổi mới quy định tại Nghị quyết 88 được Quốc hội thông qua năm 2014 nêu rõ: Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành tiêu chí đánh giá sách giáo khoa và phê duyệt sách giáo khoa được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa; hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Chính phủ ban hành cơ chế tài chính bảo đảm công bằng trong việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.
Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.