Chủ tịch TP.HCM: ‘Phối hợp chưa nhịp nhàng là hạn chế lớn nhất của chúng ta’

07/05/2021 19:17 GMT+7

"Sau một năm, tôi quay lại để nghe triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ của IPC, thì rà lại các nội dung kết luận cách đây một năm vẫn nguyên vẹn, thực hiện rất chậm”, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong dẫn chứng.

Chiều 7.5, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính hướng tới xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cải cách tài chính công đã đạt được kết quả tích cực theo hướng đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính ngân sách nhà nước.
Đến nay, TP.HCM đã ban hành 802 thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 3, 4; 863 quy trình nội bộ, 73 quy trình liên thông giữa các sở, ngành - Văn phòng UBND TP.HCM - lãnh đạo UBND TP.HCM. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn ngày càng được nâng cao, đạt 99,7%; hơn 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính.
Dù vậy, ông Phong cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, trong đó sự phối hợp trong giải quyết công việc giữa các cơ quan chuyên môn, các quận, huyện và TP.Thủ Đức vẫn chưa thật sự thông suốt, nhịp nhàng. Đặc biệt, tình trạng người dân, doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ nhiều lần vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.

Gần 20% người dân và doanh nghiệp ở TP.HCM chưa hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước

Ảnh: Sỹ Đông

“Đây là hạn chế lớn nhất của chúng ta, sự phối hợp giữa các sở ngành, giữa sở ngành với quận huyện rất chậm. Cách đây 1 năm tháng 4.2020, tôi chủ trì cuộc họp giải quyết khó khăn của IPC (Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận). Sau một năm (tháng 4.2021), tôi quay lại để nghe triển khai các chỉ tiêu nhiệm vụ thời gian qua, thì rà lại các nội dung kết luận cách đây một năm vẫn nguyên vẹn, thực hiện rất chậm”, ông Phong dẫn chứng.

Gần 1.700 hồ sơ trễ hẹn nhưng "quên" xin lỗi

Đáng lo ngại, tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hạn trên lĩnh vực đất đai, đầu tư và lý lịch tư pháp vẫn chưa có các giải pháp để tạo chuyển biến mạnh mẽ. Hiện vẫn còn 56.632 hồ sơ giải quyết quá hạn, trong đó có 1.689 hồ sơ chưa thực hiện thư xin lỗi.
Dù công tác khắc phục các tồn tại, hạn chế của chỉ số cải cách hành chính được quan tâm, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhưng theo dự báo, kết quả của năm 2020 sẽ khó đạt vị trí trong nhóm 5 tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước.
“Nói gì thì nói, những nỗ lực của chúng ta phải nhìn vào kết quả cuối cùng. Giống như học bài, cố gắng học ngày học đêm và vận dụng các phương pháp nhưng cuối cùng kết quả phải là điểm cao mới được. Chứ nói cố gắng, nỗ lực mà điểm thấp thì không được”, ông Phong so sánh và đề nghị các đơn vị cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, ông Phong đề nghị các sở ngành, địa phương cần xem cải cách hành chính là công việc thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu mới gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong thực thi công vụ để công việc được xử lý nhanh chóng và đạt chất lượng.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng cải cách hành chính phải gắn liền với chuyển đổi số của thành phố; đổi mới công tác khảo sát sự hài lòng, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả của sự phục vụ của cơ quan hành chính.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.