Chưa rõ nguyên nhân bò tót chết sau khi húc người tử vong

27/05/2014 13:09 GMT+7

(TNO) Sau cái chết bất thường của con bò tót quý hiếm tại Quảng Nam, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra như: phản ứng xử lý sự việc của cơ quan chức năng là quá chậm dẫn đến chết người rồi bò cũng chết, việc xử lý xác con bò tót quý hiếm như thế nào?…

(TNO) Sau cái chết bất thường của con bò tót quý hiếm tại Quảng Nam, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra như: phản ứng xử lý sự việc của cơ quan chức năng là quá chậm dẫn đến chết người rồi bò cũng chết, việc xử lý xác con bò tót quý hiếm như thế nào?…


Ông Phan Tuấn (phải), Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam có mặt tại hiện trường ngày 26.5 chỉ đạo lực lượng xử lý sự việc - Ảnh: Trần Hanh

PV Thanh Niên Online đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam về sự việc này vào sáng 27.5.

* Thưa ông, ngay từ ban đầu sau khi phát hiện con bò này có mặt tại địa bàn, công tác theo dõi con bò tót có được thực hiện liên tục và triển khai như thế nào?

- Ông Phan Tuấn: Có chứ, đương nhiên là phải theo dõi liên tục và phải được cập nhật hằng ngày. Cụ thể, lực lượng chúng tôi đã liên tục theo dõi việc hoạt động, hướng di chuyển của con bò tót này.

* Lực lượng kiểm lâm có biết việc con bò tót di chuyển về vùng Đại Lộc giáp ranh với Đông Giang?

- Có văn bản thông báo cho địa phương đàng hoàng chứ. Đầu tiên là nó về xã Kà Dăng (huyện Đông Giang), anh em đã làm việc với xã, huyện Đông Giang và đã có thông báo. Đồng thời, anh em chúng tôi cũng đã tổ chức họp tuyên truyền.

Khi con bò tót về vùng giáp ranh huyện Đại Lộc, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi hết cho các địa phương của xã Đại Lãnh thông báo tình hình để tuyên truyền cho người dân. Con bò tót đi đến đâu là tuyên truyền đến đó để tránh xung đột, tránh xua đuổi… Những thủ tục, văn bản chúng tôi đều có gửi hết.


Người dân hiếu kỳ tụ tập để xem bò tót - Ảnh: Trần Hanh

* Sau khi con bò tót húc chết người, có một số ý kiến địa phương tỏ ra bức xúc và đặt câu hỏi “có phải lực lượng kiểm lâm vào cuộc chậm” khi nó có mặt tại hiện trường?

- Phía chúng tôi nhận được thông tin con bò tót vào địa bàn và đã có phản ứng phải nói là nhanh, chứ không phải là chậm.

Sự việc xảy ra lúc 6 giờ sáng 26.5, lúc đó, chúng tôi nhận được thông tin anh em kiểm lâm địa bàn báo về, đến 6 giờ 30 phút anh em kiểm lâm của huyện, tỉnh đã đến hiện trường xử lý. Tôi cũng đã có mặt ngay tại hiện trường, điện báo cáo ngay ra ngoài Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam. Sự việc xảy ra thì trong ngày, người của Bộ NN-PTNT đã vào cùng huyện Đại Lộc, kiểm lâm tỉnh giải quyết vấn đề.

Việc giải quyết vấn đề của cơ quan chức năng địa phương, tôi cho như vậy là kịp thời. Các đồng chí ở Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo kịp thời các cơ quan chuyên môn của Bộ từ Hà Nội vào Quảng Nam; cùng chúng tôi giải quyết sự việc trong ngày. Tôi cho là kịp thời, chứ không phải là chậm. Tôi huy động lực lượng đến nên tôi biết, tất cả lực lượng kiểm lâm từ các huyện Đại Lộc, Đông Giang được huy động đến, kín đường cả luôn.

Tuy nhiên, một số người dân trên Đại Lộc hiếu kỳ. Chính quyền địa phương đã yêu cầu, ra sức tuyên truyền nhưng người dân cứ bám theo bò tót nên nhiều cái phát sinh. Còn lực lượng của chúng tôi đã phản ứng tốt, 6 giờ nhận được thông tin từ kiểm lâm địa bàn báo về thì Chi cục đã triển khai ngay lực lượng lên địa phương.


Con bò tót húc chết người tại huyện Đại Lộc vào sáng 26.5 - Ảnh: Người dân cung cấp

* Được biết, trước đó đã có phương án bảo vệ tại chỗ cá thể bò tót này. Trong đó có biện pháp xua đuổi bò tót vào lõi rừng đặc dụng Khu bảo tồn Sao La. Trên thực tế, lực lượng kiểm lâm đã triển khai biện pháp xua đuổi con bò tót vào vùng lõi chưa?

- Theo đề xuất của các chuyên gia, phương án bảo tồn tại chỗ là tốt nhất. Trường hợp sử dụng biện pháp đưa bò tót đi nơi khác để bảo tồn là không khả thi và tốn kém.

Chúng tôi không sử dụng biện pháp xua đuổi, bởi con thú rừng khi bị xua đuổi thì nó càng hung hăng hơn. Căn cứ các đặc tính của giống bò tót, theo đề xuất của các nhà chuyên môn, con bò tót khi hết mùa động dục sẽ về rừng và nhập đàn.

Cho nên, chúng tôi đã tuyên truyền cho người dân tránh xung đột với nó. Chính vì con bò đi lạc về vùng có đông người dân sinh sống nên con bò tót càng trở nên hung hăng.

Và biện pháp bảo tồn tại chỗ là phải tuyên truyền người dân tránh con thú rừng này. Tránh khua chiêng, múa trống làm nó trở nên cuồng điên hơn để vừa bảo vệ người dân vừa bảo vệ con bò tót.

Trên thực tế, con bò tót nó cũng hiền lành chứ không có gì. Bằng chứng là ở Ninh Thuận, đã có trường hợp bò tót phối giống với bò nhà và cho sinh sản nhiều bê con.

 
Con bò tót khỏe mạnh chết một cách bất thường sau khi húc chết một người dân địa phương - Ảnh: Trần Hanh


Con bò tót quý hiếm nặng khoảng 1 tấn chết khi đi lạc về vùng hạ du  - Ảnh: Trần Hanh

* Nguyên nhân cái chết của con bò tót được xác định là gì?

- Hiện một đoàn khám nghiệm đang làm việc tại thực địa để tìm hiểu nguyên nhân. Và kết quả phải chờ. Tuy nhiên, nguyên nhân ban đầu được nhận định là con bò tót lạc xuống vùng dân cư với nhiều hàng rào, dây thép gai, cọc sắt do người dân dựng sẵn trước đó. Do đó, con bò tót khi đi lại phải nhảy, cộng với điều kiện thời tiết vùng Đại Lãnh quá nóng, không có nước uống. Mà bò thì phải uống nước liên tục. Cho nên, có khả năng là con bò tót chết là do kiệt sức.

* Vậy biện pháp xử lý xác con bò tót sẽ như thế nào?

- Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thông tin cho các ngành chức vào tiến hành xử lý sự việc. Hiện Bảo tàng Tự nhiên Việt Nam đã có văn bản và đang trên đường vào Quảng Nam để xin UBND tỉnh nhận xác con bò tót để đưa vào bảo tàng nghiên cứu. Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cũng cử cán bộ vào.

Các đơn vị đang trên đường vào và mang theo cả văn bản để xin xác bò tót nhằm phục vụ nghiên cứu. Theo Chính phủ thì nên ưu tiên cho những đơn vị nghiên cứu khoa học như thế. Còn quyết định giao cho ai, đơn vị nào thì sẽ do UBND tỉnh Quảng Nam giải quyết.

* Xin cảm ơn ông!

Bò tót đi lạc chỉ có… chết?

Khoảng 7 giờ sáng 26.5, con bò tót đã húc chết anh Phan Thành Thiện (21 tuổi, trú thôn Đại An, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Trong ngày 26.5, con bò tót này còn húc trọng thương 4 người khác, gồm: Trương Ngọc Duy (12 tuổi, trú thôn Hạ Dục Tây) và bà Trần Thị Bình (68 tuổi, thôn Đại An); Lê Đình Vinh (32 tuổi, trú thôn Hà Dục Tây, cùng trú tại xã Đại Lãnh) và Bùi Tuấn Kiệt (40 tuổi, trú thôn Mậu Lâm, xã Đại Hưng).

Trong khi người dân đang lo lắng, bất an trước sự hung hãn, tấn công của con bò tót thì bất ngờ chiều tối cùng ngày con bò này chết. Cơ quan chức năng Quảng Nam xác định, con bò tót này trước đó xuất hiện ở huyện Đông Giang và đã xuống vùng trung du Đại Lộc.

Đây không phải là lần đầu tiên, bò tót đi lạc chết sau khi quậy phá. Năm 2012, tại sân bay Phú Bài (thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế), một con bò tót đi lạc cũng chết sau khi húc một cụ bà tử vong. So sánh sự việc, nhiều người đặt nghi vấn về công tác “cứu hộ” động vật hoang dã đi lạc, có phải bò tót lạc đường thì chỉ có… chết?

Hoàng Sơn
(thực hiện)

>> Bò tót tấn công người dân đã chết
>> Thêm 2 nạn nhân bị bò tót tấn công
>> Quảng Nam: Bò tót húc chết 1 người, 2 người bị thương
>> Bảo tồn tại chỗ cá thể bò tót quý hiếm
>> Bò tót 'xuống núi
>> Quảng Nam đề nghị bảo tồn bò tót quý hiếm
>> Cận cảnh bò tót quý hiếm quậy phá tại miền núi Đông Giang
>> Thú lạ' quậy phá ở Đông Giang là bò tót quý hiếm
>> Thú rừng xuất hiện ở Đông Giang có thể là bò tót quý hiếm
>> Nghiên cứu lai tạo giống bò tót

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.