Hội nghị do Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND thành phố Hà Nội tổ chức, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017).
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi đến các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, với những tình cảm sâu nặng và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết; đồng thời biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của 700 đại biểu là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng về dự hội nghị.
Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, các phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước. Đến nay, 97% số gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.
Bày tỏ và biết ơn sự hy sinh, cống hiến vô cùng to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác người có công. Công tác này trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước ta”. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác định người có công còn tồn đọng.
|
Tại hội nghị, câu chuyện của mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thanh Tùng khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Tham gia kháng chiến từ năm 11 tuổi, cả cuộc đời mẹ Tùng cống hiến cho cách mạng. Mẹ có chồng và 2 con là liệt sĩ, bản thân mẹ cũng là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Mẹ Tùng chia sẻ: “Tôi được mấy chú lai giắt vào bộ đội. Tôi vinh dự được ở trong đội biệt động của Sài Gòn Gia Định. Trong tổng tấn công năm 1968, tôi cùng 2 con tham gia chiến đấu. Sau trận đó, không gặp được con nữa, chỉ nghe con biên thơ. Đến tháng 4.1975, khi đang ở mặt trận Thống Nhất nghe tin 2 con mất, tôi ngất lịm. Sau những nỗi đau có lúc tôi đã tưởng mình sẽ gục ngã nhưng nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tôi đã đứng dậy để tiếp tục chiến đấu. Giờ đây thì tôi đã có một cuộc sống ổn định”, mẹ Tùng chia sẻ.
Bằng những việc làm cụ thể, hành động cụ thể để tri ân những người đã ngã xuống cho độc lập của tổ quốc, hơn 20 năm qua, ông Hồ Tất Ái, Trưởng Ban quản trang Trường Sơn đã cùng các đồng đội chăm sóc 10.000 ngôi mộ. Ông Ái cho biết, Ban quản trang có 20 người làm việc cả ngày đêm phục vụ các đoàn đến viếng thăm. Ngoài những công việc chăm lo mộ liệt sĩ, ông Ái còn nhận nhiều cuộc điện thoại, bức thư hỏi về anh hùng liệt sĩ và người thân. “Dù bận rộn nhưng chúng tôi làm việc với cái tâm, không chỉ làm yên lòng thân nhân liệt sĩ mà còn làm để cho đồng đội, anh hùng liệt sĩ nơi chín suối thấy vui lòng” ông Ái bộc bạch.
tin liên quan
Trân trọng những tấm gương người có công vượt khóNgày 22.7, nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7), tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân đã đến dự.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trao tặng 70 bằng khen cho 70 đại biểu người có công. Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội trao tặng 630 bằng khen cho đại biểu người có công.
Theo Bộ Lao động – Thương binh – xã hội, hiện cả nước có hơn 9 triệu người có công với cách mạng. Trong đó, gần 1,2 triệu liệt sĩ; 127.000 mẹ Việt Nam anh hùng; trên 800 ngàn thương binh, bệnh binh; hàng trăm ngàn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng ngàn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến.
|
Bình luận (0)