Liên quan đến sai phạm tại Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và cá nhân ông Lê Tấn Hùng, trả lời báo chí vào ngày 25.6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP đã đồng ý chuyển hồ sơ vụ việc qua cơ quan điều tra.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP đã có kết luận thanh tra về các sai phạm tại SAGRI, và việc xử lý thế nào nên để cơ quan điều tra làm tiếp.
Trong khi đó, theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, Bộ Công an đang thụ lý, điều tra những sai phạm tại SAGRI.
Vì sao chuyển cơ quan điều tra ?
tin liên quan
Bị kỷ luật cảnh cáo, ông Lê Tấn Hùng vẫn làm Tổng giám đốc SAGRITheo tìm hiểu của Thanh Niên, Tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI, thuộc UBND TP.HCM) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, có quy mô lớn, trong những năm gần đây doanh thu toàn hệ thống SAGRI hơn 3.000 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, hàng loạt sai phạm trong quản lý tài chính, đất đai, dự án... đã xảy ra tại SAGRI suốt một thời gian dài.
Thanh tra TP.HCM từng có nhiều kết luận về những sai phạm tại SAGRI. Trong nhiều sai phạm về tài chính, cơ quan thanh tra xác định vào thời điểm từ ngày 3.10 - 1.11.2016, Tổng giám đốc SAGRI, mà cụ thể là ông Lê Tấn Hùng, đã ký 10 hợp đồng với Công ty CP du lịch Thanh niên xung phong và Công ty TNHH thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc Tế về việc tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị hơn 13 tỉ đồng. Tất cả 10 hợp đồng này đã được 2 công ty tổ chức thực hiện và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn tài chính và tất toán công nợ. Tuy nhiên, khi vào cuộc, cơ quan thanh tra phát hiện tất cả 10 hợp đồng này đều ký khống, bởi qua xác minh với các tổ chức, cá nhân có tên trong danh sách đi nước ngoài do Tổng giám đốc SAGRI ký, không có người nào tham gia chuyến đi.
Qua thanh tra toàn diện, Thanh tra TP.HCM còn phát hiện hoạt động đầu tư vốn của SAGRI hiệu quả không cao, một số khoản đầu tư tài chính dài hạn không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phải ngưng hoạt động dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp (thuộc SAGRI, hoặc SAGRI có liên doanh, liên kết) bị tổn thất (18/28 đơn vị không lãi). Tính đến ngày 31.12.2016, với tổng vốn đầu tư đã chi ra hơn 1.070 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận SAGRI thu về năm 2015 chỉ hơn 53 tỉ đồng (đạt 4,97% tổng vốn đầu tư), năm 2016 chỉ hơn 33 tỉ đồng (đạt 3,15% tổng vốn đầu tư).
Ngoài ra, nhiều dự án liên quan đến quỹ đất công sản “khủng” (lên đến khoảng 1.900 ha) do SAGRI thực hiện có sai sót, chuyển nhượng đất dự án “giá bèo”, trái luật, nguy cơ gây thất thoát...
Nhiều lần thay đổi hình thức kỷ luật ông Lê Tấn Hùng
Các sai phạm tại SAGRI xảy ra từ năm 2004, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, “dính” đến gần 20 lãnh đạo chủ chốt của SAGRI trong HĐTV, Ban tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên… Riêng cá nhân ông Lê Tấn Hùng, ngoài “khoản ký khống hợp đồng hơn 13 tỉ đồng”, còn bị xác định có trách nhiệm trong các vi phạm về quản lý tài chính, đất đai, dự án... thời kỳ liên quan.
Cũng theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc xử lý sai phạm tại SAGRI kéo dài gần 2 năm qua. Cụ thể, sau khi có kết luận thanh tra toàn diện SAGRI vào tháng 10.2017, và tiếp đó Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra các vấn đề vi phạm của SAGRI, thì đến 3.2018, UBND TP.HCM có quyết định kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng. Tuy nhiên, đến tháng 10.2018, UBND TP.HCM đã bàn và thấy mức xử lý kỷ luật khiển trách ông Lê Tấn Hùng là “chưa tương xứng với mức độ sai phạm”.
Do đó, tiếp tục quá trình xử lý, đến tháng 1.2019, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM kỷ luật cảnh cáo ông Lê Tấn Hùng về mặt Đảng. Về mặt chính quyền, ông Hùng cũng bị Chủ tịch UBND TP.HCM kỷ luật cảnh cáo. Giữa tháng 6.2019, ông Lê Tấn Hùng bị đình chỉ công tác và bị cách chức Tổng giám đốc SAGRI vì “đã thể hiện vi phạm pháp luật kéo dài, thiếu trách nhiệm khắc phục hậu quả, không đủ phẩm chất để tiếp tục lãnh đạo, điều hành tổng công ty”.
Ngoài cá nhân ông Lê Tấn Hùng, đến nay cũng mới chỉ có bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên Kế toán trưởng SAGRI có liên đới trách nhiệm về “khoản ký khống hợp đồng hơn 13 tỉ đồng”, bị kỷ luật cảnh cáo.
Bình luận (0)