Năm 2020, miền Trung bão lũ triền miên, mạng người có nơi có lúc lâm cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Đó cũng là thời điểm lực lượng cứu hộ, cứu nạn xuất hiện. Sau những ngày vất vả, nghe họ kể lại hành trình của mình, cũng lắm chuyện dở khóc dở cười...
1 Với người viết, hình ảnh lực lượng chức năng đưa cháu bé sơ sinh ở thôn Thượng Nguyên (xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) chạy lũ giữa lúc nước tràn vào xóm làng hôm 9.10.2020 là một trong những khoảnh khắc ấn tượng của mùa lũ 2020. Ra đời chưa lâu, cháu đã phải trải nghiệm “chạy lũ”, khi được quấn khăn, cho vào một chiếc thau nhựa và được các chiến sĩ cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Quảng Trị) chở ca nô đưa ra ngoài. Khi ca nô cập bờ, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, hốt hoảng đỡ lấy đứa bé và bảo người khác che mưa cho cháu. Có lẽ sau này lớn lên, cháu bé cũng không ngờ mình được gặp lãnh đạo tỉnh sớm như vậy. Mẹ cháu bé, chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, 28 tuổi, cho biết đã đặt tên thường gọi ở nhà cho cháu là “Lụt” để nhắc nhở về khoảnh khắc này.
|
Nhưng mùa bão lụt vừa qua ở Quảng Trị nói riêng và miền Trung nói chung, “Lụt” không phải là đứa trẻ sơ sinh duy nhất gặp nguy hiểm. Bởi thiên tai, chả phân biệt ai bao giờ...
2 Trong cứu hộ, nhiều tình huống “tréo ngoe” đã xảy ra, phổ biến nhất vẫn là “lúc cơ quan chức năng đến vận động thì không chịu đi, lúc nước lên cao thì kêu trời... không thấu”. Một lãnh đạo Công an huyện Hải Lăng kể ngày 9.10.2020, ngoài tỉnh báo vào có một hộ dân tại địa phương đang kêu cứu khẩn thiết nên đơn vị tức tốc dùng ca nô đi cứu hộ. Vất vả lắm anh em mới đến nơi nhưng chỉ có bà vợ lên ca nô, còn ông chồng từ chối với lý do: “Có chết tôi cũng chết ở đây”. Hỏi: vậy sao lại gọi ra tỉnh cầu cứu, ông chồng mới nói do quanh xóm sơ tán hết, chỉ còn 2 ông bà nên... buồn! Đến nước này thì mọi người chỉ biết cười trừ.
Đội cứu hộ của Công an phường Đông Lương (TP.Đông Hà) thì gặp tình huống “dễ thương” hơn. Chuyện rằng, khi thuyền cứu hộ vào được điểm ngập nặng ở khu phố Lai Phước, thì cụ Nguyễn Hiện (91 tuổi) dù chân run lẩy bẩy vẫn loay hoay chưa chịu lên thuyền. Hỏi ra mới hay, cụ tìm con gà chọi, vốn là “bạn tri kỷ” của cụ lúc về già. Chỉ khi ôm trọn “bạn” vào lòng, cụ mới mỉm cười... chạy lũ, bỏ lại tất cả đằng sau.
|
3 Nhưng “kho tàng” về những câu chuyện tréo ngoe dọc đường cứu hộ thì có vẻ đại tá Lê Văn Tiền, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh Quảng Trị), là người “sưu tầm” phong phú nhất. Ông là chỉ huy đơn vị đã cứu 415 người dân trong các tình huống khẩn cấp ở những đợt lũ lụt vừa qua tại Quảng Trị.
Đại tá Tiền kể đội cứu hộ, cứu nạn 28 người của đơn vị vào xã Thanh An (huyện Cam Lộ) ngày 8.10.2020, phát hiện một cụ già khoảng 70 tuổi và 2 con bò vẫn còn đứng trên cồn đất, xung quanh là biển nước. Nói thế nào ông cũng không chịu vào bởi với ông 2 con bò là cả gia tài nên “bò chết thì người chết”. Cuối cùng, chiến sĩ nghĩa vụ Nguyễn Văn Thuấn “xung phong” ở lại giữ bò cho cụ thì cụ mới chịu vào. May mắn, sau đó cả bò và anh Thuấn đều an toàn. “Có vẻ như lời khuyên tính mạng con người là trên hết chưa thấm với bà con...”, đại tá Tiền hài hước.
Trong một tình huống khác, sáng 18.10.2020, đại tá Tiền nhận được điện thoại của thiếu úy Đinh Xuân Cường, cán bộ lái xe cứu hộ, báo rằng: “Cháu đang chở một thai phụ ra ngoài, nhưng khả năng chị sắp sinh, cháu không biết làm sao”. “Chị đẻ thì đỡ chứ biết làm sao”, đại tá Tiền nói lại. Ở đầu dây bên kia, thiếu úy trẻ giọng hốt hoảng hơn cả lúc đi... chữa cháy, thật thà: “Nhưng cháu chưa đỡ đẻ lần nào”. “Tôi cũng chưa đỡ đẻ như đồng chí. Nhưng nếu chưa đỡ thì giờ đỡ”, chỉ đạo của đại tá cũng… thật thà không kém. May mắn, thai phụ này đã “nghiêm túc” thực hiện khuyến cáo “khoan đẻ” cho đến khi tới được bệnh viện...
4 Cứu người... được người cứu là câu chuyện mà anh Nguyễn Thái Thiên (Bí thư Xã đoàn Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) sẽ còn nhớ mãi, bởi anh là một trong số những nhân vật chính. Ngày 16.10.2020, khi nước dâng cao nhấn chìm thôn Đồng Văn, tổ cứu hộ của thanh niên xã lên thuyền đi cứu dân. Trên đường đi, chẳng may thuyền cứu hộ lật, cả 5 người phải đu trên mấy cây keo lai suốt 2 giờ sau mới được người dân chèo thuyền lớn ra cứu!
|
Nhưng không may mắn như anh Thiên, nhóm cứu hộ của chính quyền xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa) đã đánh đổi cả mạng sống của mình. Bởi khi ứng cứu người dân mất tích trong ngày 17.10.2020, Phó bí thư Đảng ủy xã và Chủ tịch UBND xã này bị thương nặng, còn đại úy Trương Văn Thắng (31 tuổi, công an xã) đã hy sinh. Hình ảnh 14 cán bộ chiến sĩ Công an huyện Hướng Hóa sau đó lầm lũi đi bộ vào xã Hướng Việt trong mưa gió, trong nỗi ám ảnh sạt lở đất... để đưa được thi thể đại úy Thắng ra khỏi vùng biệt lập, về với quê hương cũng nói lên một phần của công tác cứu hộ, cứu nạn. Rằng, trong nhiều tình huống, họ, lực lượng chức năng không chỉ cứu người đang sống, mà còn cứu hộ người đã khuất để yên lòng những người đang sống...
***
Cứu hộ trong mưa lũ, dù khó khăn, vất vả ra sao, sau khoảnh khắc đối diện với “cửa tử”, điều còn lại vẫn là tình quân dân, tình yêu thương giữa con người với con người...
Bình luận (0)